Tuyển sinh nghề: Nhiều cam kết có lợi cho thí sinh

Tuấn Minh 26/07/2017 08:25

Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đang báo động, tuy nhiên nhiều thí sinh và phụ huynh vẫn có tâm lý “sính” Đại học (ĐH).

Cộng với các trường ĐH mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh, thí sinh được đăng ký không hạn chế nguyện vọng nên trường Cao đẳng (CĐ) càng khan hiếm nguồn tuyển. Để giải bài toán bên cạnh việc đổi mới đào tạo nhiều trường nghề cũng tung nhiều chiêu hút thí sinh.

Các trường nghề đang có nhiều giải pháp hút thí sinh.

Nhiều trường tung chiêu hút thí sinh

Dù chưa phải là thời điểm cao điểm để tuyển sinh nhưng hiện rất nhiều trường nghề đã có nhiều giải pháp nhằm “hút” thí sinh. Đến thời điểm Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội mới có 30 thí sinh đăng ký tuyển sinh qua trực tuyến xong đây là tín hiệu lạc quan.

Để hút thí sinh, năm nay nhà trường tuyển sinh hệ CĐ đối với những thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Hệ Trung cấp sẽ tuyển sinh những thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp THCS (theo từng ngành và chỉ tiêu cụ thể).

Với tỉ lệ 70-30 (70% thời lượng dành cho thực hành, 30% lý thuyết), các chương trình đào tạo sẽ giúp người học có kỹ năng nghề sớm và thành thạo, đáp ứng tốt yêu cầu thực tế sau khi tốt nghiệp. Đáng chú ý nhà trường còn cam kết đào tạo gắn với nhu cầu thị trường.

Tương tự, để hút thí sinh không chỉ dừng lại ở việc cam kết học xong có việc làm ngay mà nhiều trường nghề còn chủ động liên kết với nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc… từ đó tạo cơ hội cho nhiều thí sinh học xong sang nước ngoài làm việc với mức lương cao.

Đơn cử như Trường CĐ Công nghệ Hà Nội, Trường CĐ Đường sắt đã liên kết với các doanh nghiệp XKLĐ để giúp thí sinh sau khi tốt nghiệp nghề có nguyện vọng đi làm việc nước ngoài dễ dàng tìm được công việc mà mình đã học.

“Liên kết đào tạo và tuyển sinh du học tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) là hướng đi mới của trường hiện nay. Khi vào trường, các em sẽ học văn hóa, kiến thức và được đào tạo một nghề.

Chẳng hạn, nếu đối tác cần nhân lực nghề hàn, trường sẽ dạy cho các em những kỹ năng cơ bản, khi họ kiểm tra đạt yêu cầu sẽ làm các thủ tục xuất khẩu lao động”- ông Đặng Trung Kiên- chuyên viên Phòng Đào tạo thông tin Trường CĐ Đường sắt cho biết.

Chủ động cứu mình

Theo PGS TS Cao Văn Sâm- Phó Tổng cục trưởng Thường trực Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH), từ năm 2017 về mặt quản lý Nhà nước, các trường cao đẳng, trung cấp nghề chuyển sang Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp phụ trách.

Theo đó, Tổng cục đã có nhiều hỗ trợ về chuyên môn cho các trường, nhất là khâu tư vấn xét tuyển. “Đặc biệt chúng tôi phân cấp triệt để cho các trường toàn quyền trong công tác tuyển sinh.

Theo đó, các trường có thể tuyển sinh theo nhiều hình thức khác nhau như: Có thể xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa hai hình thức này với nhau, tùy theo nhu cầu của từng ngành, từng nghề, từng trường; mục đích là để phù hợp với điều kiện chọn lựa của thí sinh và đáp ứng tốt nhất yêu cầu về trình độ, năng lực, điều kiện học tập của các em”- ông Cao Văn Sâm nhấn mạnh.

Dù vậy thực tế cho thấy dù đã quy về một mối song khó khăn vẫn chồng chất đối với các trường nghề để hút thí sinh. Để tháo gỡ những khó khăn này thì các trường cần phải có chiến lược chủ động cứu mình.

Trong đó chủ động đổi mới tuyển sinh với những cam kết thực chất là giải pháp mà các trường nghề cần phải hướng đến. Theo các chuyên gia giáo dục, trước bối cảnh giáo dục nghề nghiệp như hiện nay, các trường nghề cần xây dựng hệ thống tư vấn hướng nghiệp, tự thân vận động để xuất hiện nhiều hơn trong xã hội.

Trong tuyển sinh không nên đánh giá, tuyển học sinh qua điểm số, mà đánh giá toàn diện kỹ năng để các em có điều kiện phát triển...

Các trường cần chủ động chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng giảm tải, tích hợp chương trình cho phù hợp, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh nghề: Nhiều cam kết có lợi cho thí sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO