Xét tuyển đại học 2016: Lưu ý điểm nhận hồ sơ xét tuyển

T. Trang 05/08/2016 08:42

Việc có đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng nhận hồ sơ vào từng trường hay không là tùy thuộc quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Tuy nhiên có những trường thuộc tốp có điểm chuẩn cao nhưng ngưỡng nộp hồ sơ vào trường rất thấp, hoặc chỉ bằng sàn của Bộ… dễ gây cho thí sinh hiểu lầm. Vì vậy, trước khi nộp hồ sơ, thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ điểm chuẩn của trường những năm về trước.

Xét tuyển đại học 2016: Lưu ý điểm nhận hồ sơ xét tuyển

Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển.

Nhiều trường tốp trên đưa ngưỡng nộp hồ sơ thấp

Năm 2016, tất cả các trường và khoa thành viên thuộc ĐHQG TP HCM bao gồm ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc tế, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Kinh tế - luật và Khoa Y đều công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15 điểm, trong đó không có môn nào có điểm từ 1 trở xuống. Một số trường khác như ĐH Kinh tế TP HCM (trừ một số ngành), ĐH Sư phạm TP HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Luật TP HCM… cũng lấy điểm khá cao nhưng chỉ nhận hồ sơ bằng mức sàn của Bộ.

Lãnh đạo nhiều trường ĐH cho rằng, việc quyết định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là do các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm nên lấy điểm xét tuyển bằng điểm sàn do Bộ quy định là không sai.

Tuy nhiên, thí sinh cũng sẽ dễ bị nhầm lẫn khi cho rằng điểm nhận hồ sơ xét tuyển tương đương với điểm chuẩn vào trường, nhất là những thí sinh bị điểm thấp nhưng vẫn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển để nuôi hi vọng…Trong thực tế, sự chênh lệch giữa điểm nhận hồ sơ xét tuyển và điểm chuẩn là rất cao, thậm chí có những ngành điểm chuẩn cao hơn ngưỡng nhận hồ sơ tới gần 10 điểm.

Ví dụ tại ĐH Y Hà Nội, nơi luôn có mức điểm cao nằm trong tốp đầu tất cả các trường ĐH, tuy nhiên ngưỡng vào trường tương đối thấp (điểm xét tuyển (điểm tổng 3 môn thi + điểm ưu tiên theo khu vực + điểm ưu tiên theo đối tượng) >=18 điểm; không có môn thi trong tổ hợp xét tuyển có kết quả <=1 điểm). Lí giải cho điều này, lãnh đạo nhà trường chia sẻ: “ĐH Y không đưa quá cao, vì Bộ GD&ĐT không quy định bắt buộc.

Đưa ra chỉ nhằm mục đích hạn chế lượng thí sinh có điểm thấp quá, nhưng vào trường Y ai chẳng biết mức điểm như thế nào? Ai đến trường Y chẳng phải tham khảo xem mức điểm năm ngoái, năm kia ra làm sao. Đểm thấp quá thì các em nộp làm gì cho mất thì giờ. Còn những em thích tìm hiểu thì chúng ta cứ để cho các em tìm hiểu, không nên ngăn cản. Bởi nhóm bấp bênh là nhóm rất khó, nhóm này luôn bấp bênh đến những ngày cuối cùng xét tuyển”.

Có quan điểm khác hơn, một số trường như ĐH Bách khoa HN, ĐH Ngoại thương… luôn đưa ra ngưỡng nhận hồ sơ khá cao để lựa chọn được thí sinh theo đúng mong muốn của trường.

Lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa HN nhận định: Ngưỡng sàn vào trường thực chất là ngưỡng đảm bảo chất lượng, ví dụ ĐH Harvard muốn sang ĐH Bách khoa HN tuyển sinh thì họ phải lấy điểm 30. Hay nói cách khác là mức điểm mà các trường kỳ vọng có thể nhận được số sinh viên tốt. Tương tự sàn của Bộ, những thí sinh phải đạt ngưỡng này mới đủ trình độ để đào tạo.

Đối với những trường có yêu cầu cao, đội ngũ thí sinh từ trước đến nay rất tốt thì thường lấy hơn sàn của Bộ 2 đến 3 điểm, tất nhiên có những trường lấy bằng ngưỡng thôi. Tôi cho rằng đây là tiêu chí để các trường xét tuyển được. Trường nào cũng mong có thí sinh tốt nhất nhưng phải có đủ lượng thí sinh.

Trường ĐH Bách khoa HN phân làm 3 nhóm: Nhóm năm ngoái có điểm rất cao từ 8,4 điểm (theo cách tính của ĐH Bách khoa HN) trở lên như Cơ điện tử, Kỹ thuật điện, CNTT... thì theo đánh giá của nhà trường năm nay sẽ vẫn thu hút được thí sinh có kết quả cao, vì vậy nhà trường đưa ra ngưỡng trên 7,5 mới được đăng ký những ngành này; một số nhóm ngành khác như Cơ khí, cử nhân Điện, Điều khiển tự động hóa, Kỹ thuật hóa học… năm ngoái có điểm trúng tuyển xung quanh 8 điểm thì năm nay chúng tôi cũng đề nghị ngưỡng là 7; các chương trình tiên tiến, đào tạo theo chương trình nước ngoài cũng yêu cầu điểm trung bình thi THPT quốc gia trên 7 điểm, cộng với năng lực tiếng Anh tốt; các chương trình còn lại thuộc điểm trúng tuyển năm ngoái dưới 8 điểm thì ngưỡng là điểm xét tuyển trung bình trên 18 điểm; Ngoài ra còn sơ loại…

Lượng ảo nhất định, cần chấp nhận

Bên cạnh băn khoăn về ngưỡng điểm nhận hồ sơ, các nhà trường hiện nay cũng đang xem xét về lượng thí sinh ảo. Tuy nhiên, như nhận định của thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, lượng ảo năm nay đã lường trước được nên không có nhiều lo lắng. Các nhà trường chủ động tuyển sinh, nên cũng chủ động các biện pháp phòng chống ảo.

GS.TS Đặng Ứng Vận- Hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình khẳng định: “Đã có hai nguyện vọng vào hai trường thì sẽ có ảo, vì thí sinh đăng ký cả hai nơi. Mà mỗi trường lại được hai ngành, thì thí sinh có bốn khả năng lựa chọn. Nghĩa là sẽ có ảo, và khó tránh được. Phương án tốt nhất để giảm ảo là tiếp xúc được với thí sinh sớm qua đường thư điện tử, điện thoại, trao đổi trực tiếp để biết phương hướng các em đăng ký vào trường có là mục tiêu ưu tiên không, vì năm nay các em được đăng ký qua mạng, trực tuyến… Nhưng khi các em nộp hồ sơ mới là quan trọng”.

Tương tự, cũng có khá nhiều lãnh đạo các trường khẳng định rằng, việc ảo sẽ khó có thể hết được trong các đợt tuyển sinh, vì vậy các trường không nên quá quan trọng vấn đề này, mà phải chấp nhận.

GS.TS Phạm Quang Trung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Chúng ta nên hiểu, việc tuyển sinh không bao giờ hết ảo, kể cả phát triển đào tạo cao như nước Mỹ, nước Anh. Cho nên có thí sinh và có số lượng ảo không nên coi là điều gì quá đặc biệt. Với cách đưa bốn nguyện vọng vào nhóm như năm nay, tôi cho đã là giải pháp khá tốt. Còn tồn tại một tỉ lệ ảo, tôi cho rằng chuyện đó mang tính quy luật, phải chấp nhận. Cũng như đi thi phải chấp nhận có em đỗ em trượt, không thể 100% đều đỗ cả.

Đây cũng là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Đức Hinh- Hiệu trưởng Trường ĐH Y HN. Ông Hinh cho rằng không có biện pháp gì có thể triệt để được lượng ảo trong năm nay, kể cả nhóm GX.

Chúng ta phải chấp nhận sẽ có những thứ không được như mong muốn. Năm ngoái thì hạn chế lượng ảo hơn nhưng bà con kêu như sàn chứng khoán… nên Bộ phải có hướng đổi mới. Nhưng bản thân tôi đánh giá, những điều đó là chấp nhận được. Phải chấp nhận mới được thành công như mong muốn. Sự thay đổi về công tác xét tuyển như năm nay, các em không được rút hồ sơ nữa là thiệt, là sẽ không có cửa thoát. Nhưng mọi việc có thể sẽ diễn ra thông suốt, ổn định hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét tuyển đại học 2016: Lưu ý điểm nhận hồ sơ xét tuyển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO