Xã nông thôn mới chưa đạt tiêu chí về điện

Quốc Khánh - Toha Kim 06/06/2017 08:05

Mặc dù đã được công nhận là xã nông thôn mới gần 2 năm nay, thế nhưng nhiều hộ dân xã Trường Xuân huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp có tổng số hộ là 289 ở dọc các tuyến kênh Hội Kỳ Nhất, Năm Tất, Trường Xuân - Long An, Ông Đốc, An Tiến... vẫn phải chật vật sống trong cảnh thiếu điện.

Không điện người dân ở xã Trường Xuân phải dùng đèn dầu.

Những người dân cố cựu ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười cho biết, nhiều năm trôi qua, thế nhưng hàng chục hộ dân sinh sống ở ấp 6 trong đó có nhiều gia đình đã có 3 thế hệ sinh sống và lớn lên tại đây vẫn chưa biết đến điện là gì. Ông Thái Văn Ngon (44 tuổi, ngụ ấp 6, xã Trường Xuân) cho biết: “Tôi cùng gia đình vào đây ở đã hơn 20 năm nay, chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng.

Nhà cách ủy ban hơn 5 km nhưng bao năm qua, nguồn điện sinh hoạt vẫn không được kéo về. Các gia đình đã đồng ý đóng góp tiền và rất nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được chấp nhận. Hàng ngày, gia đình thắp sáng nhờ vào những tấm năng lượng Mặt Trời với chi phí đắt đỏ. Thế nhưng điện không đủ xài và các vật dụng như tivi, tủ lạnh… không phát huy được tác dụng. Đồ đạc để riết muốn hư luôn”.

Không chỉ sống trong cảnh không điện sinh hoạt mà cả về nước sạch sử dụng hàng ngày cũng là vấn đề nan giải đối với người dân. Ông Ngon cho biết: Trước đây còn có nước sạch để xài nhưng khoảng gần một tháng nay, trạm bơm bỗng nhiên dừng cung cấp nước làm nhà tôi cùng với nhiều hộ dân buộc phải múc nước kênh chờ lắng phèn để xài. Những ngày mưa thì hứng nước mưa để dành uống. Cuộc sống giờ khó khăn đử thứ.

Hỏi những hộ dân dọc kênh Hội Kỳ Nhất, bà con cho biết không biết vì lý do gì mà dọc kênh Hội Kỳ Nhất có 3 km mà chính quyền chỉ kéo điện được một nửa. Còn lại hơn 1 km, người dân phải sử dụng đèn dầu, bình ắc quy, năng lượng Mặt Trời, 51 hộ dân chưa có điện sử dụng. Điều kiện kinh tế khó khăn lại thiếu điện thắp sáng nên nhiều trẻ em nơi đây chỉ học đến hết cấp 2 là bỏ dở để lao vào cuộc mưu sinh.
Bà Phạm Thị Trinh kể: Nhà tôi có 4 người con nhưng tất cả không quá lớp 9, do trường học cách xa nhà, học hành trong cảnh tối om, đèn dầu leo lét. Trong xóm, có một vài hộ khá giả, có điều kiện mua máy năng lượng để thắp sáng. Những gia đình nghèo chỉ biết thắp đèn dầu. Mấy hôm trước, tôi bấm bụng bỏ ra số tiền 350 ngàn đồng để mua cái bình ắc quy nhưng không dám xài nhiều vì hết phải chạy đi mấy cây số mới có chỗ sạc bình.

Ông Nguyễn Văn Ân, 69 tuổi đã 3 đời sống tại xã Trường Xuân tâm sự: Vợ chồng tôi cùng 4 người con lên đây lập nghiệp từ rất sớm. Lúc đó chỉ có 1-2 gia đình đến đây lập nghiệp. Điều kiện lúc đó khó khăn, đường sá không có, nước sinh hoạt phải sử dụng nước phèn. Ai chịu đựng được thì ở cho tới giờ này. Cũng đã có rất nhiều gia đình không trụ được nên bỏ đi nơi khác. Ở đây, cho tới giờ vẫn chưa có điện nên buổi tối không ai dám đi lại ngoài đường. Mà nói thật có việc gì đâu mà cần đi lại!

Để có nguồn điện một số người dân ở xã nông thôn mới Trường Xuân đã bỏ tiền ra mua với chi phí cao gấp nhiều lần. Anh Nguyễn Thanh Phú, 27 tuổi cho biết: Cách đây 3 năm, để có điện sử dụng 10 hộ chúng tôi bỏ ra gần 30 triệu đồng để mua lại đường điện của trạm bơm. Tuy nhiên, do máy biến áp nhỏ nên đường điện này chỉ để đốt đèn là chính. Đến tivi còn không lên nổi nữa!.

Dù vậy, nhưng mỗi tháng hộ đóng ít nhất cũng hơn 200.000 đồng. Hộ gần trạm biến áp có điều kiện thì xài đến 700.000 đồng/tháng. Điều đặc biệt là chỉ xài bóng compact (loại tiết kiệm điện) chứ bóng điện quang 1,2m không sáng nổi. Buổi tối, điện chập chờn lúc cháy, lúc tắt nên mỗi tháng hư vài ba bóng đèn là chuyện bình thường. Lại phải bỏ ra hơn 100.000 đồng thay bóng đèn mới. Hàng tháng, 10 hộ dân ở đây xài tổng cộng chỉ 500 kwh điện nhưng họ phải trả tiền điện ít nhất là 1.200 kwh, thậm chí là 1.800 kwh/tháng do hao hụt gấp 3 lần lượng điện sử dụng thực tế.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết xã đã đề nghị lên huyện nhưng do thiếu vốn nên chưa thể thực hiện được(!?).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã nông thôn mới chưa đạt tiêu chí về điện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO