Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa

L.H. 22/08/2017 09:35

Ngày 21/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Quốc tế xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước, do Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) và Kiểm toán Nhà nước phối hợp tổ chức.

Cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN.

Giảm rủi ro, thất thoát

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là giải pháp hữu hiệu nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển. Trong quá trình cổ phần hóa, việc xác định giá trị doanh nghiệp (DN) trước khi cổ phần là giai đoạn then chốt, làm tiền đề cho việc phê duyệt phương án cổ phần hóa về sau.

Kiểm toán kết quả định giá DNNN do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tiến hành có ý nghĩa quan trọng, không chỉ dừng lại ở việc xác định tăng giá trị thực tế vốn Nhà nước, kiến nghị xử lý tài chính mà còn đánh giá thực trạng công tác định giá DN, các tồn tại bất cập đang diễn ra trong quá trình cổ phần hóa để kịp thời kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách hiện hành. Trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN, đặc biệt là số các DN còn lại ở giai đoạn này đa phần là các DN có quy mô về tài sản rất lớn, rủi ro thất thoát tiền và tài sản Nhà nước trong quá trình xác định giá trị DN càng trở nên hiện hữu.

Tiến sỹ Hồ Đức Phớc, Tổng KTNN cho biết, kết quả kiểm toán năm 2016 định giá DN và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi cổ phần hóa của 7 DN, KTNN đã xác định vốn Nhà nước tăng thêm 20.818 tỷ. KTNN cũng đã chỉ ra những hạn chế trong việc xác định giá trị DN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất…

Rõ ràng việc xác định giá trị DN để cổ phần, đóng vai trò vô cùng quan trọng. Song tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng môi trường pháp lý về xác định giá trị doanh nghiệp nói chung, xác định giá trị DN để cổ phần hóa DNNN nói riêng còn chưa hoàn chỉnh.

Cần chiến lược, giải pháp

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, theo thông lệ quốc tế thì xác định giá trị DN có nhiều phương pháp, phổ biến hiện nay các nước đang áp dụng gồm 5 phương pháp, còn ở Việt Nam quy định cho phép áp dụng 2 phương pháp. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị tư vấn chỉ chọn áp dụng phương pháp tài sản là chủ yếu mà không áp dụng các phương pháp khác để kiểm chứng, trên cơ sở đó để lựa chọn mức giá phù hợp.

Dù phương pháp tài sản có nhiều ưu điểm, nhưng phương pháp này cũng bộc lộ không ít khiếm khuyết do đánh giá DN trong “trạng thái tĩnh”, ít chú ý đến việc nó còn có thể hoàn chỉnh, phát triển trong tương lai hay không? Hạn chế này đã dẫn đến nhiều trường hợp không phản ánh sát thực tế, bỏ qua giá trị vô hình không được hạch toán trên sổ sách, dẫn đến giảm giá trị tài sản được đánh giá và làm “méo mó” giá trị DN, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước.

Cụ thể năm 2016, KTNN đã tiến hành kiểm toán kết quả định giá DN để cổ phần hóa của 07 đơn vị thì đã xác định vốn Nhà nước tăng thêm tại 06 DN theo phương pháp tài sản là: 4.625 tỷ đồng; Nếu tổng hợp cả số liệu của 02 đơn vị đủ điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu thì giá trị vốn Nhà nước tại 06 DN tăng lên đến 13.698 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong các quy định hiện hành vẫn còn những vướng mắc chưa được hướng dẫn chi tiết như các vấn đề: Xử lý tài chính, đánh giá lại giá trị thị trường các tài sản có trong DN. Đặc biệt trong đó là giá trị quyền sử dụng đất (đất thuê, giao), lợi thế kinh doanh; định lượng các quy định về khả năng sinh lợi của DN …

Ông Brian McEnery, Chủ tịch ACCA cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy cổ phần hóa không nên được coi là giải pháp chữa trị thần kỳ cho DNNN hoạt động không hiệu quả. Việc đa dạng hóa sở hữu (về lý thuyết) giúp cải thiện việc ra quyết định của công ty, áp dụng các thực tiễn kinh doanh phù hợp hơn và đảm bảo nguồn vốn đa dạng hơn. Tuy nhiên cơ hội chỉ có thể hiện thực hóa nếu có được chiến lược, giải pháp cải cách quản trị DN hiệu quả hỗ trợ.

Ông Brian McEnery cũng chia sẻ một số giải pháp cụ thể về việc lựa chọn phương pháp định giá, vai trò của các chuyên gia định giá ngoài cơ quan KTNN cũng như công tác chuẩn bị cần thiết từ phía DNNN khi cổ phần hóa ở Anh quốc và quốc tế. Ngoài việc đảm bảo tính độc lập trong việc định giá và quy trình cổ phần hóa DNNN, các cơ quan KTNN quốc tế thường xây dựng các bộ tài liệu về các thông lệ tốt nhất về định giá DNNN trước khi cổ phần hóa trên cơ sở tập hợp các phát hiện, đề xuất trong quá trình kiểm toán đã thực hiện, nhằm hỗ trợ Chính phủ thực hiện cổ phẩn hóa DNNN nhanh và hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO