Xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam: Hai bộ 'vênh' nhau

Từ Khôi 17/10/2017 08:05

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH-CN) về phương pháp xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Trong công văn trả lời, Bộ KH-CN nêu rõ quan điểm phương pháp định giá dựa trên mô hình Interbrand, giá trị thương hiệu là giá trị hiện tại của các dòng thu nhập do nhãn hiệu tạo ra.

Tài sản trên đất cũ nát khiến VFS bị định giá thấp.

Quy định pháp lý liên quan

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản nêu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH-CN và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của VFS để điều chỉnh tăng giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định. Bộ VHTTDL đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ KH-CN.

Báo Đại Đoàn Kết ra ngày 2/10 đã có bài viết phản ánh ý kiến của Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính không đưa ra được cách tính. Vì vậy, Bộ Tài chính thống nhất để Bộ VHTTDL thuê công ty định giá để xác định giá trị thương hiệu trên cơ sở nghiên cứu các quy định hiện hành và tham khảo các phương pháp tính trên thế giới.

Bộ VHTTDL có đưa ra phương pháp tính áp dụng mô hình Interbrand và kết hợp phương pháp khác đối với thương hiệu VFS. Theo đó, công thức được đưa ra là: Thương hiệu VFS bằng giá trị phần vốn nhân với phần đóng góp của các tài sản vô hình nhân với số nhân nhãn hiệu. Tuy nhiên trong văn bản trả lời số 1680/BKHCN-SHTT ngày 26/5/2017, Bộ KH-CN đã không đồng tình với cách tính này.

Theo Bộ KH-CN, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành không có quy định về vấn đề định giá tài sản trí tuệ, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ. Các văn bản pháp luật có thể được áp dụng để xác định giá trị “thương hiệu” là Thông tư liên tịch số 39/2014 TTLT-BKHCN-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ KH- CN và Bộ Tài chính quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước, Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 7/1/2014 ban hành một số tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 và các văn bản khác của Bộ Tài chính ban hành một số tiêu chuẩn thẩm định giá có nội dung liên quan. Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC quy định rõ về các bước định giá, căn cứ quyết định giá đối với một số tài sản trí tuệ (trong đó có tính đến yếu tố đặc thù ảnh hưởng đến giá trị tài sản) và các phương pháp định giá.

Theo nội dung tại các văn bản này, Bộ KH-CN nhận thấy có hai vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, về đối tượng định giá “thương hiệu”. Các văn bản pháp luật này không giải thích khái niệm “thương hiệu” và cũng không quy định về thương hiệu như một tài sản riêng cần xác định giá trị. Thương hiệu là một phạm trù rộng và không đồng nhất với nhãn hiệu. Ngoài nhãn hiệu, thương hiệu còn bao gồm các tài sản vô hình khác như uy tín, truyền thống, giá trị tôn chỉ, tên thương mại, quyền tác giả và quyền liên quan, quyền phái sinh từ các hợp đồng và các mối quan hệ…

Vì vậy, khi xác định giá trị thương hiệu VFS cần hiểu rõ nội hàm “thương hiệu” của Hãng và xem xét tất cả các dạng tài sản này để lựa chọn phương pháp định giá thích hợp theo quy định pháp luật và đảm bảo không bỏ sót các yếu tố cấu thành nên giá trị thương hiệu. Thứ hai, về phương pháp xác định giá trị. Phương pháp tính giá trị thương hiệu VFS mà Công ty CPA Việt Nam đưa ra là dựa theo mô hình Interbrand. Bộ KH- CN cho rằng, dù áp dụng phương pháp nào thì vẫn cần đảm bảo tuân thủ các cách tiếp cận định giá (từ chi phí, thị trường hoặc thu nhập) phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam, trên cơ sở có đầy đủ thông tin cần thiết về “thương hiệu” của VFS và dễ dàng kiểm chứng được độ tin cậy bởi cơ quan/tổ chức định giá độc lập.

Liệt kê tài sản

Theo phương pháp định giá dựa trên mô hình Interbrand, giá trị thương hiệu là giá trị hiện tại của các dòng thu nhập do nhãn hiệu tạo ra. Cách tính này là không đầy đủ, toàn diện và không phù hợp với các phương pháp định giá theo quy định hiện hành vì không xác định rõ ràng nội hàm của đối tượng định giá là “thương hiệu”, các dạng tài sản vô hình cấu thành thương hiệu không được định danh và kiểm kê đầy đủ.

Do vậy, để xác định được giá trị thương hiệu VFS, trước tiên cần xác định chính xác đối tượng định giá “thương hiệu” của hãng gồm những tài sản vô hình/tài sản trí tuệ nào; sau đó thu thập đầy đủ thông tin về đặc điểm pháp lý, kinh tế, kỹ thuật… của đối tượng định giá (cụ thể với từng yếu tố cấu thành thương hiệu); tiến hành rà soát, thẩm tra và lựa chọn thông tin để quyết định áp dụng phương pháp định giá thích hợp. Nếu không thu thập hoặc tiếp cận được những dữ liệu nêu trên thì không có cơ sở để lựa chọn hay đánh giá về độ tin cậy và tính chính xác của bất kỳ phương pháp định giá nào.

Giá trị lịch sử, truyền thống

Về việc căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống để xác định giá trị thương hiệu VFS theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHCN cho rằng: Trong các văn bản pháp luật hiện hành không có quy định nào về xác định giá trị tài sản dựa trên yếu tố lịch sử truyền thống. Bộ KHCN nêu ý kiến Bộ VHTTDL có thể tham khảo và nghiên cứu thêm về quy định tại khoản 5 điều 9 của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ngày 17/12/2014, theo đó một trong các yếu tố đặc thù ảnh hưởng đến giá trị của nhãn hiệu, tên thương mại là “thời gian và phạm vi sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh”. Cách xác định tác động của yếu tố này trong giá trị nhãn hiệu vẫn phải theo các quy định pháp luật về định giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam: Hai bộ 'vênh' nhau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO