Xác định mức sống tối thiểu

H.Vũ 11/10/2019 08:00

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố hàng loạt đề xuất, góp ý một số nội dung trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đáng chú ý là đề nghị bổ sung vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “mức sống tối thiểu”. Nhiều ý kiến nhìn nhận rằng đề xuất trên là hoàn toàn hợp lý ở thời điểm hiện nay.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp có quyền chủ động trong quản trị doanh nghiệp liên quan đến việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trong sản xuất kinh doanh; nâng cao sự chủ động thỏa thuận, thương lượng giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động để quyết định thang lương, bảng lương và định mức lao động. Tuy nhiên, cần có lộ trình và bước đi phù hợp, tránh gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp cũng như bất lợi cho người lao động. Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “mức sống tối thiểu” và thời điểm công bố “mức sống tối thiểu” làm căn cứ quan trọng để Hội đồng Tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu hàng năm.

Đồng tình với đề xuất trên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “mức sống tối thiểu” và thời điểm công bố “mức sống tối thiểu” làm căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức Tiền lương tối thiểu hàng năm. Bởi Chính phủ thành lập Hội đồng Tiền lương quốc gia, Hội đồng này với tư cách cơ quan thẩm định xác định “mức sống tối thiểu”. Vấn đề là các yếu tố để đảm bảo thực hiện mới là điều quan trọng.

Theo ông Lợi, việc quy định mức sống tối thiểu là hoàn toàn chính xác vì không thể đáp ứng “nhu cầu tối thiểu” vì “nhu cầu tối thiểu” là vô cùng, còn “mức sống tối thiểu” là đảm bảo một mức giới hạn nào đó đảm bảo mức tối thiểu để đủ sống. Vì vậy xác định mức sống tối thiểu là hoàn toàn hợp lý.

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, trong nhiều cuộc tranh luận về tiền lương cứ so sánh giữa “mức lương tối thiểu” với “mức sống tối thiểu”. Hiện nay mức lương tối thiểu đã được quy định nhưng không có “mức sống tối thiểu” cho nên dẫn đến “mù mờ”, tranh luận. Có ý kiến cho rằng đã đạt rồi, nhưng có ý kiến lại đánh giá là chưa đạt, đặc biệt có ý kiến cho rằng đang còn kém 20% nhưng có ý kiến cho rằng chỉ kém 5% so với thực tế. Từ đó khiến cho đến nay không đi đến điểm cuối cùng. “Ví dụ vừa rồi Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đưa ở mức 5,5% vào năm 2020 là kết thúc của giai đoạn để tiền lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu, nhưng đến nay xác định đó chưa phải là mức sống tối thiểu vì hiện vẫn dưới mức sống tối thiểu. Vì thế Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị phải xác định “mức sống tối thiểu” trước , sau đó tiền lương tối thiểu áp vào mức sống tối thiểu đã đạt hay chưa đạt? Lúc đó đặt ra yêu cầu phấn đấu của nền kinh tế là điều hợp lý” - ông Thọ cho hay.

Ông Thọ cũng cho rằng, đến khi tiền lương tối thiểu bằng với mức sống tối thiểu thì Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ tập trung vào hai vấn đề. Một là xem xét mức giá chung của nền kinh tế tăng lên bao nhiêu % để điều chỉnh GDP, khắc phục được tình trạng tăng giá hay lạm phát của nền kinh tế. Bên cạnh đó sẽ xem xét mức tăng trưởng của nền kinh tế, vì mức tăng trưởng của nền kinh tế để tính tiền lương tối thiểu hay còn gọi là phần thưởng cho người lao động.

Còn mức giá là bù đắp phần tiền lương tối thiểu của họ còn thấp hơn mức sống tối thiểu. Lúc bấy giờ Hội đồng Tiền lương không cần họp mỗi năm một lần mà có thể 3-4 năm, hoặc thậm chí 1 nhiệm kỳ 5 năm mới họp một lần để xem xét điều chỉnh như cách Nhật Bản hiện nay đang áp dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xác định mức sống tối thiểu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO