Xâm nhập lãnh địa 'vàng tặc'

Tấn Thành 20/06/2016 08:00

Câu chuyện về Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu: Mặc dù giấy phép hoạt động đã hết hiệu lực từ tháng 3/2016 nhưng vẫn không dừng các hoạt động khai thác, chế biến vàng. Một lần nữa chuyện vàng ở Quảng Nam lại nóng lên.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam kiểm tra hồ chứa nước thải của Nhà máy vàng Bồng Miêu. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN.

Gặp “vàng tặc”

Quảng Nam nổi tiếng là vùng đất nhiều sa khoáng vàng. Nơi đây có những mỏ vàng được đánh giá là có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Cũng chính vì thế, vùng núi Quảng Nam đã trở thành mảnh đất vàng của vàng tặc.

Một lần, chúng tôi đã tới nơi bị phu vàng bức tử, đó là nơi dòng sông Lon giáp ranh 2 huyện miền núi Trà Bồng- Quảng Ngãi và Bắc Trà My- Quảng Nam. đang bị vàng tặc bức tử. Sau khi vượt gần 100 km bằng xe máy qua những nẻo đường quanh co, nguy hiểm, chúng tôi đến xã Trà Ka, huyện Bắc Trà My, từ đây nhờ một người dân tộc miền núi dẫn đường (đã nhờ sắp xếp trước).

Người này bảo: “Vào đến đó chỉ cách nơi đây một quăng rựa thôi”. Cứ nghĩ đi hết quăng rựa cùng lắm là 1 tiếng đồng hồ. Thế nhưng, xuất phát từ 7h30 nhưng lội bộ đến gần 11h trưa mới đến nơi. Rồi lại lội bộ chừng 4 tiếng đồng hồ dọc sông, đến các hầm mỏ.

Khi ra tới nhà dân trời đã mịt mùng đen đặc, ai nấy rã rời. Trên đường, chúng tôi gặp 3 phu vàng bận quần cộc, ở trần trên tay lăm lăm con rựa, hỏi: Các ông đi đâu? với giọng đầy hăm dọa nhưng cũng đầy cảnh giác.

Đời phu vàng

Bồng Miêu là vùng vàng lớn của Quảng Nam. Người Pháp đã khai thác từ rất lâu, dấu vết để lại tới nay là hàng trăm đường hầm lò, có đường dài hàng km.

Theo thời gian, có khi yên ả, khi thì bùng phát dữ dội, nói chung mảnh đất này chưa bao giờ được yên, cũng chỉ bởi có vàng sa khoáng. Nhiều năm qua, người dân địa phương cùng người ở nơi khác đến tiếp tục khai thác trái phép. Có thời điểm lên tới cả ngàn người. Họ ăn ở, đưa máy vào trong hầm khai thác, tuyển vàng. Đã từng có những cái chết do sập hầm và để lại hậu quả môi trường bị ô nhiễm và rất nhiều hệ lụy khác.

Để tìm hiểu về cuộc sống các phu vàng trong chốn hầm sâu, chúng đã nhờ người quen dắt vào gặp các chủ bưởng để xin làm phu vàng. Sau khi được tiếp nhận, chúng tôi phải đi đục đá quặng, khiêng quặng tập kết về nơi tuyển vàng, ăn ở cùng phu vàng mấy ngày đêm. Từ đó, phần nào cũng hiểu được cuộc sống của “giới phu vàng”.

Khó có thể nói hết nỗi cơ cực của phu vàng, mỗi ngày họ được trả từ một trăm đến vài trăm nghìn nhưng phải bán mạng sống cho tử thần. Nơi đây hiểm nguy luôn rình rập. Đường hầm khúc khuỷu, ban ngày cũng tối như ban đêm, đi lại phải dùng toàn đèn pin, đường dốc lên xuống, đá lởm chởm, hầm ngách nứt nẻ có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào và tuyệt nhiên không có bảo hộ lao động, cùng biết bao nhiêu hiểm nguy khác.

Những người dân nghèo được các chủ khai thác thuê, trở thành phu vàng, mà người đời vẫn gọi là “vàng tặc”. Có lẽ không ai muốn mình bị gọi là “giặc” cả, nhưng khốn thay danh xưng bất đắc dĩ ấy bám theo cuộc đời họ, kể cả khi đã “hoàn lương” từ giã hầm vàng về quê sống cuộc đời bình thường, không còn bị lo truy quét, đẩy đuổi và cũng không có những cơn ác mộng đeo bám hàng đêm.

Phu vàng, ấy là những người bất đắc dĩ phải làm cái việc không được phép. Nhưng, tội vạ đôi khi lại trút cả lên đầu họ, còn các ông chủ thuê họ lại không hề hấn gì, kể cả những đợt truy quét. Đáng chú ý, ở Quảng Nam, chính quyền đã nhiều lần tổ chức quy quét, nhưng nạn đào vàng trái phép vẫn tồn lại, lúc lẩn khuất, lúc ngang nhiên.

Trở lại câu chuyện về Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu, dù giấy phép khai thác đã hết hạn nhưng vẫn hoạt động, mới thấy các ông chủ sống khỏe trong khi người dân trở thành phu vàng, “vàng tặc” thì sinh mạng luôn ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Theo lãnh đạo huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) nơi có mỏ vàng Bồng Miêu, tính trung bình khoảng 40 triệu đồng/tấn quặng vàng thì mỗi ngày huyện thất thoát hàng tỷ đồng khi Cty vàng Bồng Miêu vẫn duy trì hơn 160 người làm việc thường xuyên, khai thác khoảng 150 tấn quặng vàng/ngày. Huyện cũng đã nhiều lần gửi công văn tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị không gia hạn giấy phép cho Cty này, bởi Cty không mang lại lợi ích cho địa phương, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an tại khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xâm nhập lãnh địa 'vàng tặc'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO