Xây dựng bộ quy tắc chuẩn

Hồng Vân 20/03/2018 08:00

Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo  Đề án“Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” (do Bộ GD&ĐT tổ chức) vừa diễn ra trùng với thời điểm khép lại diễn đàn “Ứng xử học đường”. Mong muốn của các chuyên gia là ngành GD&ĐT sớm hoàn thiện một bộ quy tắc chuẩn trong ứng xử học đường.

Nhiều vấn đề “nóng” trong ứng xử học đường thời gian qua thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Từ ứng xử giữa thầy - trò, ứng xử giữa trò với trò, giữa phụ huynh với giáo viên…, nhìn ở từng vụ việc cụ thể đều khiến cho cộng đồng thấy lo lắng, bất an về văn hóa học đường, nhìn rộng hơn là phạm trù đạo đức xã hội.

Đóng góp giúp cho việc hoàn thiện đề án, PGS Đặng Quốc Bảo- nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, cần xác định hệ giá trị cốt lõi trong ứng xử văn hóa ở môi trường học đường hiện nay. Đồng tình với ý kiến trên, nhiều đại biểu cho rằng, trong đề án, việc xác định hệ giá trị cốt lõi hiện nay trong ứng xử cần được quan tâm đầu tiên. Tuy nhiên, nên đưa nội dung giáo dục về hệ giá trị vào học đường, phù hợp với từng cấp học, từng lứa tuổi. Tại hội thảo, các đại biểu đều đưa ra mong muốn Bộ GD&ĐT xây dựng một bộ quy tắc ứng xử chung cho toàn ngành.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, về tổ chức xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, các nơi đều đang làm bộ quy tắc này, ngành Giáo dục cần tập trung nguồn lực, cách làm thiết thực để cho ra một bộ quy tắc chung thấu đáo, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng chủ thể trong nhà trường tham gia. Đây là việc làm có tính chất cách mạng, có sự thay đổi.

TS Nguyễn Viết Chức- nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội băn khoăn, đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học phải căn cứ vào giá trị cốt lõi, dựa vào bộ quy tắc ứng xử để triển khai, nếu không có sẽ dễ trở thành phong trào. Cần đầu tư để xây dựng bộ quy tắc ứng xử, trong đó cần trả lời được các câu hỏi: Ai ứng xử? Ứng xử với ai? Ứng xử thế nào?...

Nhiều ý kiến khác cho rằng, muốn xây dựng đề án tốt, cần xác định người đóng vai trò dẫn dắt các giá trị đạo đức trong môi trường học đường chính là người thầy. Thầy cô giáo không chỉ dừng lại ở truyền thụ kiến thức mà còn xây dựng nét đẹp văn hóa người thầy để làm gương cho học sinh. Ban soạn thảo cần tổng kết những điển hình hay, những gia đình, những trường học giáo dục được lòng tự trọng hiệu quả cho học sinh trong thời gian qua, nhân rộng được những điển hình này một cách có thực chất, hiệu quả. Cùng với đó, đề án cũng cần cụ thể hơn về sản phẩm của đề án, người thực hiện.

Phải có một bộ quy tắc ứng xử chung của ngành Giáo dục giống như ngành Y, ngành Công an. Bộ quy tắc này cần ngắn gọn, thiết thực, dễ đọc, dễ nhớ. Các đại biểu đại diện cho các ban, ngành liên quan cũng như đại diện lãnh đạo các trường học đều mong muốn đề án được triển khai sớm để các trường có hành lang pháp lý xây dựng bộ quy tắc của từng trường tùy theo tình hình thực tế, tính chất vùng miền.

Trên thực tế, việc xây dựng văn hóa ứng xử đã được Bộ GD&ĐT triển khai từ lâu dưới nhiều hình thức. Chính vì vậy cần có đánh giá tổng kết những việc Bộ đã làm, việc gì chưa làm được và chỉ ra rõ nguyên nhân. Với quyết tâm triển khai, lần này đề án cần đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể; phân công trách nhiệm triển khai không chỉ ngành giáo dục mà còn là của chính quyền địa phương (UBND tỉnh, thành phố...).

Hoan nghênh những ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo đề án lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện nội dung đề án tốt hơn, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Dự thảo Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” đánh giá thực trạng văn hóa ứng xử trong trường học hiện nay của học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên. Đề án đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học; Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên; Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho người học của đội ngũ nhà giáo; Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Các tổ chức phối hợp tham gia triển khai thực hiện đề án này bao gồm: Bộ GD&ĐT, Bộ VHTT&DL, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an, Bộ TT&TT, UBTƯ MTTQ Việt Nam…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng bộ quy tắc chuẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO