Xây dựng Chính phủ liêm chính

Việt Thắng (thực hiện) 29/04/2017 09:05

Trao đổi với Đại Đoàn Kết về 1 năm Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ, ông Nguyễn Túc- Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lưu ý rằng: Ở trên thì chuyển động mạnh mẽ, nhưng càng xuống dưới thì chuyển động lại chậm hơn. Cần mạnh tay hơn nữa, ai không làm được việc chây ỳ thì cương quyết phải xử lý. Những “khối u”, những lực cản cho bước tiến của xã hội cần phải được cắt bỏ, đó là mong muốn của nhân dân. Những trường hợp đưa vợ đưa con, cả họ hàng vào bộ máy là phải xử lý nghiêm. Phải cư

Ông Nguyễn Túc.

PV: Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ đến thời điểm này đã tròn 1 năm thực hiện. Ông nhìn nhận như thế nào về quá trình thực hiện của Chính phủ trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Túc: Đa phần nhân dân đều thấy trong 1 năm qua, với sự điều hành của Chính phủ mới các hoạt động của đất nước ta bắt đầu có sự chuyển động. Lần này khác với lần trước là chuyển động từ trên xuống nên nhân dân rất mừng và đánh giá cao hoạt động của Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính. Nhìn vào từng thành viên của Chính phủ đặc biệt là Thủ tướng và các Phó Thủ tướng rất xông xáo, năng động, nói đi đôi với làm. Trong lĩnh vực kinh tế, Chính phủ đã đẩy mạnh quá trình lập nghiệp, khởi nghiệp, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp làm ăn. Chính phủ với mục tiêu phục vụ để cho doanh nghiệp phát triển, vì doanh nghiệp có phát triển mới giải quyết được vấn đề việc làm và bức xúc của đời sống nhân dân.

Thứ hai nhân dân rất quan tâm đến vấn đề cải cách bộ máy hành chính. Một loạt những hoạt động vừa rồi của Chính phủ cũng như bộ máy bên Đảng cho thấy, lần này Chính phủ rất quan tâm chấn chỉnh.

Thứ ba đi đôi với sản xuất là củng cố đổi mới bộ máy, tiết kiệm từ người đứng đầu trong Chính phủ trở xuống như: Không nhận xe mới; không xây dựng trụ sở mới; xuống địa phương quy định tối đa 3 xe đi cùng; tiếp khách rõ ràng tránh việc “tiếp khách 3, chủ nhà 7”; vấn đề tiết kiệm trong chi tiêu hành chính; đi máy bay, hay đi thăm quan nước ngoài. Một loạt những giải pháp của Chính phủ về vấn đề tiết kiệm đã được lòng dân, kể cả không bắn pháo hoa khi đang “lũ chồng lũ” ở miền Trung. Thứ tư là gương mẫu của người đứng đầu, người ta nói “đầu xuôi thì đuôi lọt” cho nên những đồng chí lãnh đạo trong Đảng, Chính phủ trong năm qua đã có sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện nghị quyết Trung ương 4.

Thưa ông, sự kiên quyết ở trên Trung ương rất mạnh mẽ từ Thủ tướng cho đến các Bộ ngành, nhưng xuống địa phương tinh thần đó lại chưa thực sự mạnh mẽ. Vậy làm sao để sự chuyển động được đều?

- Tôi đồng tình với việc ở trên thì chuyển động mạnh mẽ, nhưng càng xuống dưới thì chuyển động lại chậm hơn. Chính phủ cũng thấy được điều đó cho nên vừa rồi có thành lập một loạt các tổ công tác, nhiều đoàn kiểm tra giám sát để thúc đẩy. Nhưng biện pháp nữa tôi cho rằng cần mạnh tay hơn là những đồng chí nào không làm được việc chây ỳ thì cương quyết phải xử lý chứ không thể để tình trạng này được. Thường thì cuộc cách mạng bắt đầu từ cơ sở, đổi mới cũng từ cơ sở, bây giờ chuyển động từ trên, chuyển động từ trên có điều kiện để thúc đẩy cấp tỉnh, huyện, xã nhưng điều kiện đó là phải cương quyết. Những “khối u”, những lực cản cho bước tiến của xã hội cần phải được cắt bỏ, và đó là mong muốn của nhân dân. Nhưng muốn dẹp được phải có chính sách làm sao ngoài việc đồng chí đó thấy được trách nhiệm của mình nhưng cũng phải có chính sách để họ thấy kỷ luật nhưng vẫn có nhân đạo để sửa chữa.

Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ muốn thành công phải từ công tác cán bộ, và trách nhiệm của người đứng đầu. Và đó là gốc rễ, cho nên chúng ta phải bắt đầu từ công tác cán bộ, thưa ông?

- Khi đường lối chủ trương đúng thì vấn đề cán bộ có tính chất quyết định. Chủ trương đúng nhưng muốn chủ trương đó đi vào cuộc sống, biện pháp 10 nhưng quyết tâm phải 20. Về biện pháp của Chính phủ tuy vừa qua đã có nhiều biện pháp nhưng có thực hiện được hay không? cần quyết tâm từ Trung ương cho đến cấp tỉnh, huyện, và xã. Tức là có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Bởi bản thân chỉ mình Chính phủ không được, mà phải có sự lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị và sự đồng thuận quyết tâm của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội thì mới làm được, chứ hiện nay sự phối hợp giữa các bộ phận trong hệ thống chính trị tôi cảm thấy chưa được cao.

Thưa ông, chúng ta đã nhiều lần nhắc đến trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng trong công tác cán bộ rất ít người đứng đầu bị nhắc nhở vì để xảy ra tiêu cực trong công tác cán bộ?

- Đảng đã nhiều lần nói đến trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra sự việc. Nhưng vừa qua nhân dân thấy nhiều sự việc xảy ra nhưng trách nhiệm của người đứng đầu chưa được xem xét một cách đúng mức. Có những trường hợp dân bảo “giơ cao mà đánh khẽ”, và tôi cho rằng việc “giơ cao đánh khẽ” làm cho kỷ luật của mình không nghiêm. Hồi xưa Bác đau khổ lắm nhưng vẫn phải quyết định tử hình Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu do tham nhũng. Thương nhưng việc công vẫn phải làm. Những trường hợp đưa vợ đưa con, cả họ hàng vào bộ máy là phải xử lý nghiêm. Phải cương quyết chống tham nhũng mới lấy được lòng tin từ nhân dân. Mình cứ làm mạnh và công tâm chứ làm thế này trong dân còn nghi ngờ rằng hay còn lợi ích nhóm? hay cả nể.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Lê Như Tiến- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Quyết tâm chống tham nhũng

Ngay từ đầu nhiệm kỳ trong tuyên thệ của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Thủ tướng đã hứa xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, minh bạch và quyết tâm cao trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, hết lòng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Qua 1 năm thấy rằng lời tuyên thệ đó đã đi vào thực tiễn cuộc sống, bộ máy vận hành theo hướng tích cực. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã bám sát công việc, thậm chí nửa đêm sáng sớm Thủ tướng đã đi ra chợ đầu mối kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các Phó Thủ tướng đã đến các điểm nóng như Formosa, tai nạn giao thông... và thể hiện trách nhiệm rất cao. Qua dư luận xã hội và các đồng chí lão thành cách mạng địa bàn nơi tôi cư trú khẳng định sự quyết liệt quyết tâm xây dựng Chính phủ minh bạch, liêm chính, quyết tâm phòng, chống tham nhũng và lãng phí rất cao. Tuy nhiên cần lưu ý thêm, ngoài kỳ vọng ra thì chỉ có Thủ tướng, các Phó Thủ tướng hay Bộ trưởng là chưa đủ. Vì bộ máy hành chính nhà nước phải vận hành đồng bộ từ trên xuống dưới, đặc biệt là các địa phương. Ví dụ chúng ta nói nhiều, siết chặt về đề bạt bổ nhiệm cán bộ nhưng ở đâu đó lại bổ nhiệm số cán bộ lãnh đạo nhiều hơn cả nhân viên, rồi bổ nhiệm “thần tốc”, bổ nhiệm người nhà là rất phản cảm. Cho nên vận hành bộ máy phải từ trên xuống dưới và chuyển động đều, thực hiện từ dưới lên trên. Đặc biệt cần tăng cường khâu thanh tra, kiểm tra của Chính phủ và các Bộ, các địa phương. Chỉ làm như vậy mới có hiệu quả vì bộ máy như guồng máy, mắt xích nào ách tắc nó cũng tạo ra sự ách tắc chung của Chính phủ. Do đó nên tạo sự chuyển động đồng bộ và làm sao sự chuyển biến xuống tận địa phương, cơ sở.

Quyết tâm chính trị của ta rất cao từ Đảng cho tới Chính phủ và có nhiều văn bản luật hình thành và sửa đổi, thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở Trung ương và địa phương có các Ban Nội chính. Có nghĩa cơ sở pháp lý và bộ máy là có, kiện toàn bộ máy của cơ quan từ điều tra, truy tố, xét xử nhưng quan trọng theo tôi phải phát huy vai trò của các cơ quan này đặc biệt là người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng. Vì gương mẫu là cha đẻ của giáo dục, nếu người đứng đầu không cương quyết kiểm tra đôn đốc kịp thời thì sức răn đe lan tỏa của phòng chống tham nhũng chỉ ở mức độ khiêm tốn. Khi phát hiện ra tham nhũng phải kiên quyết xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Ngoài ra trong Đảng có Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Chính phủ có thanh tra, kiểm tra; khối cơ quan dân cử thì có giám sát. Cho nên làm sao phát huy được vai trò của các cơ quan này trong thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như cương quyết chống tiêu cực trong quá trình thanh, kiểm tra.

Hoài Vũ (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng Chính phủ liêm chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO