Xây dựng chính quyền số tại TP Hồ Chí Minh - Bài 1: 'Trên nóng, dưới lạnh'

Thành Luân (Còn nữa) 10/02/2020 06:00

Đánh giá về công tác cải cách hành chính (CCHC) của địa phương, UBND TP HCM thừa nhận, còn tồn tại tình trạng nghịch lý là trong khi lãnh đạo chính quyền rất sốt sắng trong CCHC, nhưng ở nhiều cấp cơ sở còn tồn tại tình trạng “làm cho có”, hoặc chỉ thực hiện hình thức mà thiếu quan tâm thực chất đến công tác này.

Xây dựng chính quyền số tại TP Hồ Chí Minh - Bài 1: 'Trên nóng, dưới lạnh'

Chất lượng phục vụ ở cơ sở dù được cải thiện nhưng người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng.

Cấp trên sốt sắng

Đại hội Đảng bộ TP HCM (lần thứ X, tháng 10/2015) xác định CCHC là một trong 7 chương trình đột phá của thành phố. Đến năm 2019, UBND TP HCM xác định là năm về CCHC, đặc biệt là mục tiêu về xây dựng hệ thống hành chính công điện tử nhằm hướng tới xây dựng “Chính quyền số”. Tại kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 15, khóa IX vừa diễn ra, cũng lần đầu thực hiện mô hình “kỳ họp không giấy”, trong đó các đại biểu không cần mang bút, sổ tay mà chỉ cần thao tác, tra cứu bằng ứng dụng trên máy tính bảng.

Sự sốt sắng, quan tâm đặc biệt tới công tác CCHC còn được thể hiện ở hành động, chỉ đạo quyết liệt từ các lãnh đạo của thành phố. Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, chính quyền thành phố đã phê duyệt và hoàn tất mô hình liên thông một cửa điện tử đối với 21 quy trình giữa các sở ban ngành và Văn phòng UBND TP. Tiếp đó, thành phố cũng thực hiện thêm 19 quy trình liên thông một cửa điện tử để đưa vào vận hành tổng cộng 40 quy trình từ tháng 7/2019 đến nay.

Một trong những mô hình được ông Nguyễn Thành Phong dẫn chứng là ứng dụng “giao việc tức thời - nhắc việc thông minh”. Thông qua ứng dụng này, người đứng đầu chính quyền thành phố có thể giao việc và nhắc việc bất kỳ đối với các Ủy viên UBND TP và Chủ tịch UBND của 24 quận, huyện. Ngoài ra, “Chính quyền điện tử” được thực hiện thường xuyên trong hệ thống sẽ bảo đảm tính liên thông, đồng bộ từ cấp thành phố đến cấp cơ sở, nhất là kết nối tốt hơn với cơ sở dữ liệu quốc gia…

Cấp dưới vẫn nặng hình thức

Nhận xét về tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong CCHC tại TP HCM, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) nhìn nhận, cấp cơ sở còn thờ ơ với CCHC. Mà nếu thế thì thành phố phải chấn chỉnh ngay. Còn nếu cấp dưới tiếp thu nhưng thực hiện tùy tiện thì nguyên nhân thuộc về bệnh quan liêu của cấp trên, cụ thể là do người lãnh đạo, điều hành thiếu kiểm tra, đôn đốc.
TS Nguyên ví von tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác CCHC giống như đang tồn tại một “lớp cách nhiệt” giữa cấp thành phố và cấp quận, huyện. “Lớp cách nhiệt” này ngăn cản “sức nóng” của sự sốt sắng từ chính quyền thành phố nhưng chưa truyền tải động lực hành động và sự nhiệt tình công vụ đối với cấp dưới.

Còn theo bà Phạm Phương Thảo- nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM thì nguyên nhân xuất phát từ quyết tâm của người đứng đầu các cấp cơ sở. Theo bà Thảo, còn tình trạng vẫn muốn “ôm” về trên, nặng cơ chế “xin - cho”. Chẳng hạn, thủ tục về đầu tư công hiện vẫn còn tính bằng năm (thủ tục xây dựng trường học mất 400 ngày), rồi có nhiều dự án cần được đầu tư cấp bách, đề nghị chỉ định thầu thì cấp trên lại không dám quyết. Kết quả thủ tục gây ì ạch tiến độ là đương nhiên. Thế nhưng, nhiều cán bộ, công chức không dám cải tiến, sáng tạo hoặc thay đổi cho phù hợp xuất phát từ lo sợ thanh tra, kiểm tra và sợ sơ sảy sẽ bị kết luận là cố ý làm trái. Chính sự xung đột giữa pháp lý và sự năng động, sáng tạo của từng cán bộ, tạo ra nặng nề về tư duy đối với cán bộ, công chức.

Chính vì thế, bên cạnh những kết quả quan trọng về CCHC thành phố đã đạt được, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ một số hạn chế. Tại nhiều cuộc họp về công tác CCHC của TP HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra thực tế, muốn cả thành phố chuyển động trong CCHC thì các quận, huyện phải chuyển mình, tăng tốc độ theo. Trong năm 2019 là năm CCHC của thành phố đông dân nhất nước, lãnh đạo thành phố đã chủ trương tách riêng công tác đánh giá sự hài lòng của người dân ở các lĩnh vực xây dựng, đất đai, đầu tư kinh tế và có hoạt động giám sát đối với các lĩnh vực này để thực hiện tốt hơn.

Việc chú trọng đánh giá sự hài lòng của người dân đối với các lĩnh vực nêu trên được nhìn nhận là điểm sáng trong CCHC của TP HCM, do đây là các lĩnh vực va chạm nhiều nhất đối với người dân, doanh nghiệp và cũng là các lĩnh vực tồn tại nhiều bất cập, bức xúc thời gian qua. Đây cũng là điểm then chốt trong quá trình triển khai CCHC- một vấn đề rất cần được xem xét cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng chính quyền số tại TP Hồ Chí Minh - Bài 1: 'Trên nóng, dưới lạnh'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO