Xây dựng chính quyền số tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Minh bạch vì nền công vụ phục vụ

Thành Luân 12/02/2020 08:00

Hai lĩnh vực giáo dục và y tế lâu nay được người dân quan tâm đặc biệt, đồng thời cũng tồn tại nhiều bất cập, do đó cần được khảo sát về mức độ hài lòng của người dân. Trên thực tế trong năm đầu thực hiện “năm cải cách hành chính”, các kết quả khảo sát đã cho thấy nhiều vấn đề cần nhìn lại.

Xây dựng chính quyền số tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Minh bạch vì nền công vụ phục vụ

Chất lượng cải cách hành chính thể hiện trước hết ở việc rút ngắn thời gian trả hồ sơ hành chính và thực hiện nghiêm túc thư xin lỗi dân khi trễ hẹn. Ảnh: Hồng Phúc.

Dân bức xúc ở đâu, phải khảo sát ở đó

Cụ thể, trong việc giám sát ở ngành y tế. Theo ông Tăng Chí Thượng- Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, ở các bệnh viện và các cơ sở y tế cả công và tư của thành phố đã triển khai khảo sát ý kiến của bệnh nhân sau thời gian nằm viện. Đây là cơ sở để cải tiến chất lượng dịch vụ y tế. Kết quả khảo sát trải nghiệm của hơn 5.700 người bệnh tại hơn 90 bệnh viện của TP HCM cho thấy người bệnh còn chưa hài lòng về một số tiêu chí. Chẳng hạn, thời gian làm thủ tục nhập viện phải chờ đợi lâu (khoa nội trú); thời gian chờ bác sĩ khám bệnh khi nhập viện còn lâu (nhất là tại khoa nội trú); các vấn đề về cảnh quan bệnh viện; thời gian chờ làm thủ tục xuất viện chưa tinh gọn;... Đối với các khoa ngoại trú, hơn 37.000 ý kiến không hài lòng, tập trung ở các khâu thủ tục về đăng ký khám bệnh; thái độ ứng xử; giao tiếp của nhân viên y tế; thủ tục khám chữa bệnh bằng BHYT; cung cách hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ; chất lượng nhà vệ sinh bệnh viện; khâu mua thuốc và cấp thuốc BHYT;…

Đóng góp về các tồn tại trên, ông Thượng cho rằng, việc khảo sát chỉ số hài lòng của bệnh nhân về chất lượng bệnh viện nên chú trọng vào sự trải nghiệm của bệnh nhân sau khi được xuất viện, vì họ sẽ là những người cảm nhận đầy đủ các dịch vụ, chất lượng của các cơ sở y tế nhất. Trong đó, việc khảo sát trải nghiệm của người bệnh nội trú sẽ giúp các bệnh viện biết được trải nghiệm nào chưa tích cực, từ đó sẽ củng cố, điều chỉnh phù hợp; đòi hỏi chính các bệnh viện phải có nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ ra việc còn một số cấp ủy, thủ trưởng cơ quan đơn vị còn e dè, sợ trách nhiệm, chưa quyết tâm xử lý triệt để các hạn chế, thiếu sót, vi phạm của công chức, viên chức, nhất là thiếu sót trong xử lý hồ sơ bị trễ hạn ở lĩnh vực đất đai, xây dựng cho người dân và doanh nghiệp. Theo người đứng đầu chính quyền thành phố thì dù tỷ lệ hồ sơ trễ hạn đã được kéo giảm xuống còn 0,29% nhưng vẫn còn nhiều do lượng hồ sơ TP tiếp nhận giải quyết rất lớn, bao gồm khoảng 64.000 hồ sơ trễ hẹn. Một số đơn vị chưa thể hiện sự cầu thị, đồng cảm với nhu cầu người dân, chưa nghiêm túc thực hiện thư xin lỗi khi có hồ sơ trễ hạn. Tỉ lệ chưa thực hiện thư xin lỗi còn cao, chiếm tới 7,7%, tương đương với khoảng gần 5.000 hồ sơ chưa xin lỗi dân.

Năm 2020 chấm dứt chi phí không chính thức

Đối với vấn đề chi phí không chính thức, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng người dân và doanh nghiệp còn chưa hài lòng khi vẫn còn trường hợp phải đi lại bổ sung hồ sơ hành chính nhiều lần và phải trả chi phí mà không được cấp hóa đơn, phiếu thu chính thức. Ông Phong đề nghị năm 2020, phải chấm dứt tình trạng người dân làm thủ tục hành chính mà phải trả những chi phí không chính thức. Chẳng hạn, riêng ở cấp sở, ban ngành (năm 2019) ghi nhận có 25 trường hợp người dân cho biết có nộp tiền cho công chức mà không có phiếu thu (0,6%); ở cấp quận huyện là 51 trường hợp có nộp tiền cho công chức không có phiếu thu (0,8%).

Về công tác CCHC trong năm 2020, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Nguyễn Duy Tân đề nghị, đội ngũ lãnh đạo quận, huyện, phường, xã cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, năng lực, có khả năng tiếp cận nhanh với CNTT, trong đó công tác CCHC phải đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Theo ông Tân, thời gian qua khu vực những phường, xã, thị trấn có tốc độ đô thị hóa cao vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng và vi phạm trong quản lý nhà nước về sử dụng đất khiến người dân bức xúc; nhiều nơi còn trễ hẹn trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp.

Về các chi phí không chính thức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Tô Thị Bích Châu cho rằng, đây chính là vấn đề đáng phải suy nghĩ và cần có giải pháp chấn chỉnh. Bà Châu cũng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM khi kết quả về tỷ lệ hài lòng rất cao, có cơ quan đạt hơn 99% cho thấy kết quả này còn chưa sát với thực tế. Trong đó, UBND TP HCM đề nghị cơ quan khảo sát phải tiếp tục chuẩn hóa, đơn giản hóa về cách thức, phương pháp, bộ câu hỏi để việc khảo sát đạt chất lượng, hiệu quả hơn trong năm 2020.

Năm 2020, TP HCM thực hiện chủ đề về năm thực hiện văn hóa đô thị gắn với tiếp tục đẩy mạnh về cải cách hành chính. Đây là một năm có tính bản lề để phát triển bền vững giữa kinh tế - xã hội và gìn giữ, bản sắc, các giá trị văn hóa. Do đó, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần cải thiện văn hóa tiếp công dân, lắng nghe dân, nhất là lắng nghe nhiều chiều, cả lời chân thành và cả những lời bực dọc của dân, bởi vì đó chính là chìa khóa, là sức mạnh trong quản lý, lãnh đạo của một đô thị lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng chính quyền số tại TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Minh bạch vì nền công vụ phục vụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO