Xây dựng cơ chế để người dân tự tin tố cáo tham nhũng

H.Vũ 21/12/2018 07:30

Ngày 20/12, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNODC) tổ chức Tọa đàm về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Việt Nam.

Ông Francesco Checchi, cố vấn Khu vực về PCTN (UNODC Đông Nam Á- Thái Bình Dương) cho rằng: tham nhũng là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên thế giới. Mỗi năm, ước tính khoảng 1.000 tỷ USD bị dùng vào việc hối lộ, cùng với 2.600 tỷ USD bị đánh cắp bởi hành vi tham nhũng. Con số ấy tương đương với 5% GDP toàn cầu. Tại các nước đang phát triển, ước tính số ngân sách bị mất đi do tham nhũng lớn gấp 10 lần tổng giá trị viện trợ phát triển chính thức. Do đó tham nhũng là trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế- xã hội trên thế giới.

Theo ông Francesco Checchi, việc Việt Nam phê chuẩn Công ước PCTN của Liên hợp quốc (UNCAC) vào năm 2009 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các quy định của Công ước quốc tế này, trong quá trình xây dựng pháp luật cũng như thực tiễn. Những sửa đổi gần đây của Bộ luật Hình sự và Luật PCTN cũng như các đạo luật khác đã tăng cường cơ sở pháp lý cho công tác PCTN.

Nhấn mạnh PTCN là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội, khu vực tư nhân và báo chí đóng một vai trò quan trọng từ công tác giám sát các dịch vụ công đến nâng cao nhận thức cho mọi thành phần kinh tế - xã hội, ông Francesco Checchi khuyến khích Chính phủ cần đẩy mạnh sự tham gia hiệu quả của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, báo chí vào chu trình đánh giá UNCAC và quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách PCTN.

Theo đánh giá của ông Ngô Mạnh Hùng- Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Việt Nam đã đạt được một số tiến triển quan trọng trong thực thi UNCAC sau chu trình đánh giá thứ nhất. Trong đó, Việt Nam đã ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), Luật PCTN năm 2018 bổ sung nhiều quy định mới trên cơ sở quy định của UNCAC, và kết quả đánh giá thực thi UNCAC chu trình thứ nhất được hoàn thành năm 2012.

“Cụ thể, bổ sung quy định về các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước. Mở rộng diện kê khai tài sản, thu nhập bao gồm toàn bộ cán bộ, công chức. Các khoản hối lộ được quy định mở rộng hơn, bao gồm lợi ích phi vật chất. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân lần đầu tiên đã được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra, đã ký kết thêm nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù. Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện tham gia chu trình đánh giá thứ hai về phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản”- ông Hùng đưa ra dẫn chứng để nói lên quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác PCTN.

Đưa ra những bất cập hiên nay như: quản lý tài sản trong xã hội chưa có cơ chế thật chặt chẽ nên những giao dịch, dịch chuyển bất minh trong quan hệ kinh tế, dân sự chưa xử lý được, hay vấn đề dòng tiền trong xã hội chủ yếu là tiền mặt, ông Nguyễn Văn Kim, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cũng nêu lên thực tế dù có Luật PCTN nhưng để xác định đâu là dòng tiền sạch, đâu là bẩn cũng là vấn đề khó, đơn cử như xác định dòng tiền đầu tư từ nước ngoài về. Và theo ông, đây là khó khăn, thách thức phải đối mặt. Bên cạnh đó, với quản lý tài sản của cán bộ, công chức nếu thực hiện đúng rất tốt, nhưng mặt trái cũng gây ra những hệ lụy đáng tiếc bởi chỉ cần vài % không chính xác đã là vấn đề vì còn liên quan đến quyền tài sản của công dân.

Để công tác PCTN đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Francesco Checchi cho rằng, trong vấn đề bảo vệ người tố cáo tham nhũng cần có những biện pháp, quy định để có thể giúp mọi người tự tin hơn khi tố cáo. Phải xây dựng cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, hối lộ để họ có thể yên tâm hơn, dù không thể bảo đảm 100%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng cơ chế để người dân tự tin tố cáo tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO