Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Kiểm soát quyền lực cán bộ

Theo TTXVN 26/09/2019 11:17

Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết luận, xây dựng Đảng là then chốt thì chính công tác cán bộ là "chốt" của then chốt. "Chốt" mà không vững sẽ ảnh hưởng đến cả một bộ máy.

Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Kiểm soát quyền lực cán bộ

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN).

Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 23/9/2019 có ý nghĩa quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là vào thời điểm chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Nhiều cán bộ, đảng viên tại Hà Nội đã bày tỏ sự đồng tình với Quy định này và tin tưởng rằng Đại hội Đảng bộ các cấp sẽ lựa chọn được người đủ đức, đủ tài để lãnh đạo đất nước.

Người đứng đầu phải công tâm, gương mẫu trong công tác cán bộ

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, gần đây do nhiều ảnh hưởng, trong đó có một phần tiêu cực của kinh tế thị trường đã tác động đến cán bộ, đảng viên.

Nhiều cán bộ, thậm chí cán bộ cấp cao đã mắc sai phạm mà nguyên nhân là do chủ nghĩa cá nhân.

Đại hội Đảng lần thứ XII đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có vấn đề chấn chỉnh công tác cán bộ.

Mấu chốt trong chấn chỉnh công tác cán bộ là kiểm soát quyền lực cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền do Bộ Chính trị ban hành rất có ý nghĩa trong công tác cán bộ. Cán bộ phải thực hiện đúng đạo đức cách mạng, vì nhân dân phục vụ, không vì lợi ích riêng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cũng cho rằng thời gian qua tình trạng chạy chức chạy quyền xảy ra phổ biến.

Nhiều cán bộ tìm mọi cách chạy từ chức vụ thấp lên chức vụ cao, kéo theo đó là nạn tham ô, tham nhũng. Nhiều người không dựa vào tiêu chuẩn, đạo đức cán bộ để đề bạt cấp dưới, mà dựa vào mối quan hệ thân quen, con cháu trong gia đình. Điều đó là hoàn toàn sai.

Theo ông, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị phải có đạo đức, công tâm, gương mẫu trong công tác cán bộ và phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người đứng đầu phải tôn trọng kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; phải biết lắng nghe ý kiến của mọi người, dựa vào hành động của cấp dưới để đánh giá khách quan, khoa học, không nên chỉ dựa vào lời nói.

Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, công tác cán bộ phải thực hiện tốt mới đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

Công tác cán bộ là “chốt” của then chốt

Phó giáo sự-tiến sỹ Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền lúc này là rất kịp thời.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết luận xây dựng Đảng là then chốt thì chính công tác cán bộ là "chốt" của then chốt. "Chốt" mà không vững sẽ ảnh hưởng đến cả một bộ máy.

Hơn nữa, chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp để tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nếu như để tình trạng tha hóa xảy ra là rất nguy hiểm cho việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Vì vậy, Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII ra đời mang ý nghĩa thực tiễn và vô cùng cần thiết.

Những năm gần đây và đặc biệt là nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, tình trạng suy thoái đi liền là "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," trong đó chuyện chạy chức, chạy quyền không còn là cá biệt mà khá phổ biến trong các tổ chức Đảng cũng như cán bộ, đảng viên.

Chuyện chạy chức, chạy quyền hay không kiểm soát được quyền lực làm cho quyền lực bị tha hóa.

Ở mỗi một người được giao quyền lực, tự mình không kiểm soát được, tự mình lạm dụng quyền lực.

Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Kiểm soát quyền lực cán bộ - 1

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do ông Trương Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, làm trưởng đoàn đến kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN).

Từ Đại hội Đảng lần thứ XII cho đến nay, rất nhiều cán bộ kể cả cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Những điều này, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII đã nhận định rất chính xác.

Để công tác kiểm soát quyền lực có hiệu quả, Phó giáo sự-tiến sỹ Nguyễn Chí Mỳ nêu ý kiến, cần rà soát lại các văn bản quy phạm, quy định, quy chế về kiểm soát quyền lực để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tiễn.

Đối với công tác tổ chức cán bộ, cần thực hiện đúng theo nguyên tắc của Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng, đặc biệt là phải công khai minh bạch.

Việc kiểm soát quyền lực không chỉ là kiểm soát từ trên xuống, từ dưới lên, kiểm soát từ trong ra mà phải phát huy việc kiểm soát từ ngoài vào, đó là kiểm soát từ nhân dân đối với cán bộ.

Phó giáo sự-tiến sỹ Nguyễn Chí Mỳ nhấn mạnh, không điều gì có thể giấu nổi nhân dân, vì vậy cần phát huy vai trò của nhân dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân trong việc lợi dụng quyền lực, chạy chức, chạy quyền.

Nhấn mạnh vai trò người đứng đầu cấp ủy trong việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, phó giáo sự-tiến sỹ Nguyễn Chí Mỳ cũng cho rằng, một đơn vị có người đứng đầu gương mẫu, trong sạch, liêm khiết... sẽ kéo theo cả một đơn vị trong sạch, vững mạnh.

Một đơn vị mà người đứng đầu nêu gương không tốt, chắc chắn đơn vị đó sẽ rất phức tạp, tha hóa. Vì vậy, vai trò của người đứng đầu là vô cùng quan trọng.

Quy định số 205-QĐ/TW có ý nghĩa to lớn khi chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng

Ông Phạm Xuân Tiên, nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội cho rằng, việc ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, có ý nghĩa to lớn khi chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Bởi Đại hội Đảng lần thứ XIII được xác định là bước chuyển giao, là bản lề chuyển bước phát triển đất nước lên chất lượng mới cao hơn.

Nếu như trước đây, yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại, đội ngũ cán bộ còn bỏ sót một số thành phần chưa thật đúng tiêu chuẩn, chưa thật toàn tâm toàn ý với dân, lọt vào các cấp ủy Đảng thì Quy định số 205-QĐ/TW là sự rút kinh nghiệm từ những tồn tại, thiếu sót này.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, Bộ Chính trị xây dựng chặt chẽ các quy định để các cấp, các ngành rà soát kỹ, lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài gánh vác công việc.

Như Bác Hồ đã nói, vào Đảng, vào Ban Chấp hành và cấp ủy các cấp không phải là vị trí, quyền lực riêng tư của ai, mà vào để cống hiến cho đất nước.

Theo nguyên tắc, Đảng có trách nhiệm chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho Đảng, cho các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị. Bởi vậy, quy định lần này hết sức chặt chẽ và cụ thể về các tiêu chuẩn của cán bộ.

Theo ông Phạm Xuân Tiên, công tác cán bộ trước khi Đại hội Đảng lần thứ XIII diễn ra rất ý nghĩa và Bộ Chính trị đã chỉ đạo quyết liệt.

Đảng phải thường xuyên đổi mới, tự chỉnh đốn mình cho phù hợp với tình hình mới và yêu cầu lịch sử.

Trước Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhân dân rất hào hứng, tin tưởng vào sự thành công của Đại hội, Đại hội sẽ lựa chọn người đủ đức, đủ tài để chỉ đạo, lãnh đạo đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Kiểm soát quyền lực cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO