Xây dựng luật đừng để ai hiểu thế nào cũng được

Lê Anh Đức 17/10/2015 05:35

Hiện nay, nhiều luật, bộ luật của ta, vẫn còn những lỗ hổng khiến các đối tượng (kể cả người thực thi pháp luật và kẻ phạm tội) lợi dụng. Vì thế, khi xây dựng luật, các nhà soạn thảo cần tránh tình trạng cùng một điều khoản, ai hiểu thế nào cũng được, nhất là trong Bộ luật Hình sự.

Khái niệm chưa được làm rõ

Hiện, trong Bộ luật Hình sự đang tồn tại hai khái niệm về tội phạm rất khác nhau, song vì không có hướng dẫn cụ thể nên nhiều khi dẫn đến cách hiểu của mỗi điều tra viên, công tố viên hay thẩm phán khác nhau. Ví như khái niệm: “Tội phạm ít nghiêm trọng” (có khung hình phạt tù từ 3 năm trở xuống) và “phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng” (dùng để chỉ những bị can, bị cáo mà vai trò là thứ yếu trong các vụ án hoặc phạm tội không cố ý, phạm tội do bị người khác đe dọa hay cưỡng bức...).

Trong nhiều vụ án, không chỉ điều tra viên, công tố viên mà ngay cả thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng đã nhầm lẫn hai khái niệm này. Tại Tiết h, Khoản 1, Điều 46, Bộ luật Hình sự quy định: Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nhưng do không có hướng dẫn cụ thể về khái niệm “phạm tội ít nghiêm trọng” nên nhiều cán bộ thực thi pháp luật đã đánh đồng khái niệm này với khái niệm “tội phạm ít nghiêm trọng”.

Chính vì sự đánh đồng khái niệm của những người thi hành công vụ, nên trong những vụ án mà bị can, bị cáo là “tội phạm nghiêm trọng”, “tội phạm rất nghiêm trọng” và “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, thì CQĐT, Viện KSND và TAND đã không xem xét yếu tố “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” để lượng hình khoan hồng cho những người có vai trò thứ yếu trong vụ án. Điều này đồng nghĩa với việc vô hình trung đã tước đi quyền được giảm nhẹ hình phạt của bị can, bị cáo, không đáp ứng được tinh thần của Hiến pháp 2013 về quyền con người.

Không nên quy định điều kiện kép

Chưa hết, chính vì Điều 46, Bộ luật Hình sự quy định điều kiện kép trong việc xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo: Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nên nhiều bị can, bị cáo đã không được hưởng sự khoan hồng theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan thực thi pháp luật.

Theo LS Bùi Đình Ứng - Trưởng Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng và các cộng sự (Đoàn Luật sư Hà Nội), tại Tiết g, Khoản 1, Điều 48, Bộ luật Hình sự quy định về các tình tiết tăng nặng đối với các bị can, bị cáo nêu rõ: Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm sẽ bị tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đã quy định tình tiết tăng nặng là tái phạm (phạm tội lần 2, lần 3...), thì tại sao phạm tội lần đầu không được xem xét như một tình tiết giảm nhẹ độc lập, mà lại phải kèm vào điều kiện kép?

Bàn về vấn đề này, LS Ứng cho rằng, lẽ ra luật nên quy định là: “Phạm tội lần đầu hoặc thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, thay vì quy định “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” mới được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Chỉ đơn giản thay một chữ “và” bằng chữ “hoặc”, không ít bị can, bị cáo sẽ được hưởng sự khoan hồng, giảm nhẹ án phạt, có cơ hội để sớm tái hòa nhập cộng đồng.

“Tôi cho rằng trong lần sửa Bộ luật Hình sự tới đây, các nhà soạn thảo luật nên tách hẳn phạm tội lần đầu thành một tình tiết để giảm nhẹ hình phạt cho bị can, bị cáo. Nếu không tách riêng thành một điều khoản độc lập thì cũng nên thay chữ và bằng chữ hay, chữ hoặc, để thể hiện chủ trương khoan hồng của Đảng và Nhà nước...” - LS Ứng đề nghị.

Tránh hiểu thế nào cũng được

Nhiều chuyên gia luật, luật sư cho rằng, do các luật, bộ luật của ta hiện nay chưa hoàn thiện, còn có những lỗ hổng khiến không ít người (cả tội phạm và người thực thi pháp luật) lợi dụng trục lợi. Chẳng thế mà trong không ít vụ án hình sự, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, hay cùng là CQĐT, cùng là Viện KSND, cùng là TAND nhưng mỗi cấp hiểu một cách khác nhau và đưa ra những quan điểm, phán quyết khác nhau. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến oan sai, hoặc bỏ lọt tội phạm.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, LS Ứng cho biết, ông từng dự nhiều phiên tòa mà kể cả kết luận điều tra của cơ quan CSĐT, cáo trạng của Viện KSND và khâu xét xử của TAND đều ấn định các bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng không được hưởng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Cộng thêm với quy định về điều kiện kép, mặc nhiên các bị can, bị cáo đã mất đi cơ hội được hưởng sự lượng hình khoan hồng theo Tiết h, Khoảng 1, Điều 46, Bộ luật Hình sự.

Ông Ứng lấy ví dụ, một phiên tòa xét xử các bị cáo phạm tội vận chuyển ma túy tại Thái Nguyên, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã “hùng hồn” khẳng định các bị cáo đã phạm tội rất nghiêm trọng nên không xem xét tình tiết “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. “Các vị ấy đã đồng nhất khái niệm tội phạm ít nghiêm trọng và phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Vậy nên tranh luận kiểu gì các vị vẫn giữ nguyên quan điểm...” - LS Ứng kể.

Để tránh việc một điều luật mà ai hiểu thế nào cũng được, LS Ứng cho rằng, khi xây dựng luật, cần làm rõ khái niệm, nếu không làm rõ được bằng luật hay các văn bản hướng dẫn dưới luật, cần đồng nhất khái niệm. Cụ thể, cần hướng dẫn rõ cách hiểu khái niệm “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, để có sự thống nhất trong thực thi pháp luật tại các cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu không, cần sửa thành “tội phạm ít nghiêm trọng” thì sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, để đồng nhất khái niệm, tránh có sự vận dụng khác nhau về luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng luật đừng để ai hiểu thế nào cũng được

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO