“Xây dựng Nam Định sớm trở thành tỉnh Nông thôn mới”

Trần Duy Hưng 16/09/2015 18:51

Đó là khẳng định của ông Trần Văn Chung-Phó Bí thư Thường Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định tại cuộc họp báo về tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, do Tỉnh ủy tỉnh này tổ chức hôm nay, 16-9. Buổi họp báo có sự tham dự của nhiều lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương...

“Xây dựng Nam Định sớm trở thành tỉnh Nông thôn mới”

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Chung
(người đứng); Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo
Tỉnh ủy Nam Định Trần Văn Chung chủ trì buổi họp báo

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên, đề nghị làm rõ căn cứ, cơ sở nào để Nam Định đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới sẽ “tạo đột phá trong phát triển kinh tế”, ông Trần Văn Chung-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết Nam Định đưa ra mục tiêu này dựa trên cơ sở đến thời điểm này cơ sở hạ tầng phục vụ phát kinh tế-xã hội trên địa bàn đã khá kiện toàn, đồng bộ. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã có nghị quyết 54 về xây dựng tuyến đường bộ ven biển, trong đó có qua địa bàn Nam Định, mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương cho đầu tư xây dựng tuyến đường này. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý cho Nam Định cùng các bộ ngành liên quan lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối vùng ven biển của tỉnh với quốc lộ 1A, đường cao tốc Hà Nội-Ninh Bình. Hiện tại, khu vực ven biển của Nam Định đang có những dự án kinh tế lớn được triển khai như dự án xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông được cho là lớn nhất cả nước; dự án Nhà máy nhiệt điện Nam Định…Theo ông Chung, thời gian tới, khi các dự án này hoàn thành sẽ tác động mạnh, thúc đẩy, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương…

Về đề nghị làm rõ của phóng viên cơ sở lý luận nào, căn cứ nào để Nam Định đặt ra mục tiêu đến năm 2020 trở thành “Tỉnh nông thôn mới”, mục tiêu này có mâu thuẫn, đi ngược lại với chủ trương chung công nghiệp hóa đi liền với là đô thị hóa hay không? Ông Trần Văn Chung cho biết, trong Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn không đề cập đến khái niệm “Tỉnh nông thôn mới” nhưng trong Quyết định 800 của Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM có đưa ra khái niệm huyện “Nông thôn mới”. Theo đó, huyện nào có 70% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được công nhận là “Huyện nông thôn mới”. Từ đó, theo ông Chung có thể đặt vấn đề, nếu trong một tỉnh có 70% số huyện đạt chuẩn NTM sẽ trở thành Tỉnh NTM. Theo ông Chung, đa số người dân Nam Định đang gắn bó với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã và đang thu được nhiều kết quả tích cực, trong đó huyện Hải Hậu của tỉnh đã đạt chuẩn huyện NTM, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, do vậy tỉnh sẽ kiên trì phát triển theo hướng này. Mặt khác, theo ông Chung, NTM không chỉ được tạo thành từ những đóng góp của khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà được tạo thành từ những đóng góp quan trọng của các hoạt động sản xuất CN, TTCN. Để xây dựng NTM vẫn rất cần phát triển CN, TTCN, trên thực tế Nam Định đã và đang coi đây là giải pháp quan trọng, do vậy việc Nam Định đặt ra mục tiêu trở thành “Tỉnh Nông hôn mới” không có sự mâu thuẫn với chủ trương chung công nghiệp hóa, hiện đại hóa….

Tại buổi họp báo, theo đề nghị của các phóng viên, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Nam Định cũng phân tích, làm rõ kết quả thực hiện chủ trương nâng cao đội ngũ cán bộ cấp xã, trong đó có việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học về làm công chức cấp xã; chủ trương thu hút sinh viên tốt nghiệp loại giỏi về tỉnh công tác, những ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh trong đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ.

Liên quan đến hoạt động của báo chí trên địa bàn, ông Trần Văn Chung chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để báo chí tác nghiệp đúng luật, trước mắt hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên tác nghiệp tại Đại hội đẳng bộ tỉnh sắp diễn ra…

Trước đó, thông tin tại cuộc họp báo, ông Trần Văn Chung, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định cho biết: Đại hội Đảng bộ tỉnh sẽ được tổ chức trong các ngày từ 22 đến 25- 9. Tham dự đại hội có 350 đại biểu chính thức, trong đó có 296 đại biểu được bầu từ 16 Đảng bộ trực thuộc; 74 đại biểu trong số này có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; 34 đại biểu là nữ, 35 đại biểu trực tiếp công tác tại cơ sở, đại biểu có tuổi Đảng cao nhất là 46 năm tuổi đảng; đại biểu trẻ nhất là đại biểu có 04 năm tuổi đảng…

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định: đến thời điểm này tỉnh đã hoàn tất các công tác chuẩn bị, bao gồm chuẩn bị văn kiện, chuẩn bị nhân sự, chuẩn bị phục vụ đại hội gồm công tác tuyên truyền, công tác hậu cần, đảm bảo an ninh trật tự…theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Liên quan đến công tác nhân sự, ông Chung cho biết: đại hội sẽ bầu 55 người tham gia BCH, 15 người tham gia Ban Thường vụ, 11 người tham gia Ủy ban kiểm tra khóa mới. Cho đến thời điểm này không có nhân sự nào dự kiến tham gia BCH, Ban Thường vụ khóa mới phải xem xét liên quan đến đơn thư theo quy định, hướng dẫn…

Trong thời gian diễn ra, Đại hội sẽ tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Theo ông Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định, nhiệm kỳ qua, Nam Định đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân đạt 12,5%/năm, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 22,3%/năm. Tỉnh thành lập mới được 2.555 doanh nghiệp, toàn tỉnh hiện có 3 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 590 ha, tỷ lệ lấp đầy 74%. Đến cuối tháng 6 năm 2015, có 165 dự án được cấp phép đầu tư vào các KCN (141 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký 8.303 tỷ đồng, 24 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 293 triệu USD); trong đó 127 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 25.000 lao động. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, giá trị sản xuất bình quân tăng 3,2%/năm. Sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 950,9 nghìn tấn, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác đến năm 2015 đạt 100 triệu đồng. Bước đầu hình thành các vùng chuyên canh theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đem lại hiệu quả kinh tế cao. Kinh tế thuỷ sản phát triển ổn định, giá trị tăng bình quân 7,3%/năm. Giá trị dịch vụ tăng bình quân 12,5%/năm. Tổng giá trị hàng xuất khẩu năm 2015 ước đạt 1.000 triệu USD, tăng bình quân 31,4%/năm. Kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch được đầu tư nâng cấp, hình thành một số siêu thị, trung tâm thương mại - dịch vụ lớn.

Đặc biệt, nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đạt được những kết quả quan trọng. Các địa phương trong tỉnh đã huy động gần 10 nghìn tỷ đồng, nhân dân góp 2.920 ha đất nông nghiệp và hiến gần 200 ha đất thổ cư để làm đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi nội đồng. Dự kiến đến hết năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 100/209 xã, thị trấn (47,8%) đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM, trong đó huyện Hải Hậu đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM mới năm 2015…

Cùng với đó, 5 năm qua, tỉnh đã ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông huyết mạch. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội đạt 108,9 nghìn tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý, Quốc lộ 21 đoạn Nam Định - Thịnh Long, Tỉnh lộ 490C, Tỉnh lộ 489...; nâng cấp cải tạo 4.982 km đường giao thông nông thôn; nâng cấp 64,7/91,5 km đê biển, đầu tư hạ tầng kỹ thuật điện hạ thế nông thôn, xây dựng nhiều công trình văn hóa - xã hội đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân...

Thành phố Nam Định hoàn thành sớm mục tiêu nâng cấp lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh, đang tiếp tục được đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, từng bước hình thành một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Đến nay, Nam Định có 21 năm liên tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ thi đua “Đơn vị tiêu biểu xuất sắc”; luôn dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT; học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, điểm thi bình quân vào đại học, cao đẳng. Công tác xã hội hóa giáo dục, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển rộng khắp. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao có chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đạt được những kết quả tích cực. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,9% năm 2010 xuống 2,5% năm 2015. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đổi mới về phương thức hoạt động. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Khối đại đoàn kết toàn dân, sự đồng thuận xã hội được tăng cường…

Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 – 2020, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định cho biết, mục tiêu tổng quát của Đảng bộ tỉnh Nam Định trong 5 năm tới là: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân, tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; triển khai toàn diện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 đạt tiêu chí "Tỉnh nông thôn mới". Tập trung xây dựng thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Phát triển kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường. Chăm lo, nâng cao đời sống của nhân dân. Tăng cường khối đại đoàn kết và đồng thuận xã hội. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội”…

Một số chỉ tiêu chủ yếu được Nam Định đề ra là: Tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP (giá so sánh 2010) tăng bình quân 7,5-8%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2020 đạt 70-75 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế đến năm 2020: nông, lâm, thủy sản chiếm 18%; công nghiệp, xây dựng chiếm 47%; Dịch vụ chiếm 35%. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 đạt 5.500-6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 1-1,5% (theo tiêu chí mới). Đến năm 2020, Nam Định đạt chuẩn “Tỉnh nông thôn mới”…

Để đạt được các mục tiêu trên, Nam Định đề ra một số định hướng, trong đó: Triển khai toàn diện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững, hiệu quả, gắn với chương trình xây dựng NTM. Đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực; đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ tương xứng với tiềm năng, vị trí của trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Tích cực, chủ động tạo thêm nguồn thu mới phục vụ cho đầu tư phát triển và sản xuất, kinh doanh. Tập trung cải tạo, nâng cấp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Xây dựng, phát triển các vùng kinh tế, gồm: Vùng kinh tế biển; Vùng sản xuất nông nghiệp; Trung tâm công nghiệp dịch vụ thành phố Nam Định. Đẩy mạnh phát triển văn hóa giáo dục; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Tăng cường quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Xây dựng Nam Định sớm trở thành tỉnh Nông thôn mới”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO