Xây dựng nét văn hóa người tiêu dùng Thủ đô

N.Phượng 08/01/2020 17:08

Ngày 8/1, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện CVĐ năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020.

Xây dựng nét văn hóa người tiêu dùng Thủ đô

Hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Thủ đô tin tưởng.

Theo Ban chỉ đạo CVĐ thành phố, toàn thành phố có 145 siêu thị, 26 trung tâm thương mại, khoảng 1.400 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ. Để phát triển hạ tầng thương mại, thành phố xây dựng đề án quản lý, đầu tư cải tạo và phát triển chợ trên địa bàn; phối hợp với tập đoàn Semmaris (Pháp) triển khai giai đoạn 1 dự án xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại Hà Nội sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát; kiểm tra, rà soát tiến độ triển khai các dự án xây dựng trung tâm dịch vụ logistics; triển khai “Mạng lưới bán hàng tự động đặt tại địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020”; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh toán, mua sắm, đẩy mạnh sử dụng mã hình QR truy xuất nguồn gốc trực tuyến các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên địa bàn…. góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, chống gian lận thương mại. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 10.487 Website, ứng dụng thương mại điện tử được tiếp nhận và chấp thuận thông báo, đăng ký hoạt động.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo CVĐ các quận, huyện, thị xã phối hợp với chính quyền cùng cấp hỗ trợ các doanh nghiệp xác định, lựa chọn địa điểm bán hàng thuận lợi để nhân dân, người tiêu dùng đến thăm quan, mua sắm nhằm quảng bá, giới thiệu các chương trình bán hàng Việt trên địa bàn dân cư. Đôn đốc việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc trưng, truyền thống địa phương….

Tiêu biểu như phường Tứ Liên, quận Tây Hồ đón nhận danh hiệu làng nghề Quất cảnh truyền thống Tứ Liên. Huyện Đông Anh hoàn thành hồ sơ và được thành phố công nhận “Làng nghề truyền thống Hà Nội” cho làng sản xuất đậu làng chài, xã Võng La trong tháng 2/2019. Huyện Ứng Hòa phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống như làng nghề làm giày da tại thôn Thần, xã Minh Đức; làng nghề sản xuất hương xuất khẩu xã Quảng Phú Cầu…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố, Phó Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà nội cho biết, năm 2019, BCĐ CVĐ các cấp, các ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo sâu sát và toàn diện công tác tuyên truyền, đặc biệt tuyên truyền về kết quả 10 năm thực hiện CVĐ. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tổ chức CVĐ đã tạo sức lan tỏa rộng rãi, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã tích cực hưởng ứng CVĐ, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Trong năm 2020, Ban Chỉ đạo CVĐ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong triển khai thực hiện CVĐ. Trong đó, tập trung vào các đối tượng gồm: Người tiêu dùng, người sản xuất và hệ thống các kênh phân phối. Chú trọng tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” qua chương trình bình chọn các năm….”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng nét văn hóa người tiêu dùng Thủ đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO