Xây dựng nông thôn mới: Không 'mặc đồng phục' cho tất cả các địa phương

Lê Bảo 08/08/2022 06:52

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình mục tiêu quốc gia được kỳ vọng góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân nông thôn. Vì vậy, cần thay đổi cách tiếp cận với những tư duy mới, không thể “mặc đồng phục” ở tất cả các địa phương.

Làm đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Giai đoạn 2021-2025, chương trình NTM đặt ra mục tiêu đến 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Về tiêu chí về xã NTM, giai đoạn 2021-2025 bộ tiêu chí cơ bản vẫn giữ nguyên bố cục và nội hàm của bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 gồm 19 tiêu chí. Ngoài ra, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các địa phương, quy định các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc huyện nghèo và huyện vừa thoát nghèo giai đoạn 2018-2020, mức đạt chuẩn NTM sẽ được áp dụng theo quy định đạt chuẩn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tính đến tháng 7/2022, cả nước có 5.813/8.227 xã (70,7%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 2,4% so với cuối năm 2021. Trong đó, có 803 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 300 xã so với cuối năm 2021 và 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 51 xã so với cuối năm 2021.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, khó khăn hiện nay của tỉnh là lồng ghép 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia. Cụ thể: Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững, nguồn lực hỗ trợ đều hướng tới các mục tiêu, đối tượng hỗ trợ riêng, chưa hoàn toàn hướng tới việc hỗ trợ để các xã vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, nguồn vốn phân bổ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn thấp, trong khi yêu cầu về tiêu chí trong xây dựng NTM lại nâng cao. Đặc biệt là đối với các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn cần một nguồn lực rất lớn cho xây dựng NTM.

Đồng quan điểm, ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng cho rằng, thực hiện NTM được coi là gốc nhưng nếu không được quy hoạch thì cực kỳ khó cho các tỉnh làm cơ sở để lồng ghép, bố trí nguồn vốn đối ứng trong các dự án. Hay làm sao lồng ghép 3 chương trình Mục tiêu quốc gia trên một địa bàn để tránh trùng lặp về đối tượng, mục tiêu, nội dung.

Tạo ra sự khác biệt cho nông thôn mới

Trước những khó khăn, vướng mắc từ địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu xây dựng NTM, cho rằng hình ảnh NTM phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế và giá trị truyền thống. Để hoàn thành mục tiêu của chương trình, các bộ ngành khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ các thông tin, văn bản hướng dẫn thực hiện và kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao. Về phía địa phương cần chủ động nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

“Mỗi địa phương cần dựa vào thế mạnh vùng miền để tạo ra sự khác biệt, đa dạng trong xây dựng NTM. Chính sự khác biệt đó sẽ tạo ra hình ảnh địa phương hấp dẫn hơn, để tạo ra sự thu hút từ đời sống nông thôn, để mỗi địa phương không chỉ tự hào về những tiêu chí đã đạt được mà còn lưu giữ được những di sản nét đẹp văn hóa đặc trưng” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh và cho rằng xây dựng NTM cần được nhìn nhận là giải pháp tạo ra giá trị thu nhập tăng thêm cho người dân. Hay nói rộng ra đó cũng là thực hiện chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế nông thôn bao gồm hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất OCOP, doanh nghiệp khởi nghiệp. Mỗi địa phương cũng cần dành quỹ đất ươm mầm khởi nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh của mình và giúp người nông dân thích ứng với sự thay đổi mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng nông thôn mới: Không 'mặc đồng phục' cho tất cả các địa phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO