Xây dựng nông thôn mới ở vùng khó

Bắc Phong 30/07/2019 08:30

Tại phiên họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019 của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, có một tin vui: Theo kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, cả nước phải có 50% tổng số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2020, nhưng tới hết tháng 6/2019, đã có 50,1% tổng số xã đạt chuẩn, trước 18 tháng so với yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Đó là một nỗ lực rất rất lớn vì đây là công việc rất khó khăn. Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM được đánh giá chỉ có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Những gì cần làm để đem đến sự thịnh vượng cho khu vực nông thôn vẫn là sự thách thức.

Xây dựng nông thôn mới ở vùng khó

Đoàn viên thanh niên tham gia làm đường giao thông nông thôn tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Hiện cả nước đã có 5.458 xã đạt chuẩn xã NTM với 19 tiêu chí cụ thể, tăng 620 xã (tương đương 6,96%) so với cuối năm 2018; 80/644 đơn vị cấp huyện thuộc 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM (chiếm 11,6% tổng số huyện của cả nước). Không những thế, 8 chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM cũng đã đạt và vượt kế hoạch 5 năm 2016-2020, như tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất và các tiêu chí về văn hoá -xã hội - môi trường...

Đáng chú ý, tới nay, nợ đọng trong xây dựng NTM đã được xử lý dứt điểm và hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 32/2016/QH14.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM cũng cho thấy một số điểm cần tiếp tục khắc phục, trong đó nổi rõ là việc tiến độ thực hiện chương trình của một số địa phương còn chậm, khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền. Cụ thể: Vùng đồng bằng sông Hồng (đạt 82,74%), Đông Nam Bộ (70%), miền núi phía Bắc (26,45%), Tây Nguyên (37,73%), đồng bằng sông Cửu Long (42,77%), duyên hải Nam Trung Bộ (45,82%).

Có nhiều lý do để giải thích cho sự chênh lệch này. Rõ nhất là điều kiện kinh tế - xã hội ở từng vùng, từng địa phương. Nói một cách dễ hiểu đó là xuất phát điểm khác nhau của từng nơi khi xây dựng NTM. Có vùng điều kiện kỉnh tế - xã hội khá thuận lợi về hệ thống đường giao thông nông thôn, hay là các cơ sở trường học, trạm y tế… Ngược lại, nhiều vùng xuất phát điểm thấp nên xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề đường giao thông nông thôn được cho là “điểm nghẽn” lớn nhất. Muốn xây dựng đường giao thông nông thôn cần nguồn vốn đầu tư lớn, cần diện tích đất tương xứng. Nhưng nhiều nơi điều kiện sống của người dân còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nên huy động đóng góp khó khăn. Từ đó dẫn đến vốn đầu tư để làm đường thiếu, hoặc rất nhỏ giọt. Thực tế cho thấy, nợ đọng trong xây dựng NTM thời gian trước chủ yếu rơi vào việc xây dựng đường giao thông nông thôn.

Việc tạo quỹ đất làm đường không phải nơi nào cũng thuận lợi. Nhiều nơi, do nhận thức tốt về NTM nên bà con nông dân đã tự nguyện hiến đất làm đường. Nhưng cũng có nơi việc tìm được diện tích đất cần thiết để làm đường là rất khó khăn.

Nhưng dẫu thế, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiến độ xây dựng NTM có thể nói là tốt đẹp. Bộ mặt nhiều làng quê thay đổi, nhờ NTM mà trở nên khang trang, đẹp đẽ. Và cũng chính vì thế, việc tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng NTM ở những nơi chưa hoàn thành là rất cần thiết. Nhưng, đây cũng lại là những nơi khó khăn nhất, đó là những vùng quê nghèo, cuộc sống người dân khó khăn. Với nhiều nơi đã bước vào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thì ở vùng khó vẫn loay hoay tìm lời giải.

Nhìn vào những nơi chưa hoàn thành xây dựng NTM có thể thấy đó là những địa phương rất khó khăn. Ai đã đến vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, hay vùng sâu đồng bằng sông Cửu Long cũng đều nhận thấy. Đó là tỉ lệ hộ nghèo cao, hệ thống trường lớp tuy đã phủ khắp nhưng việc học lên cao không hề dễ dàng… Vì thế, muốn NTM cán đích đối với những địa phương này cần nỗ lực gấp bội, bên cạnh đó rất cần sự đầu tư mạnh mẽ, phương thức làm linh hoạt.

Có thể nêu ví dụ về một cách làm hay trong việc xây dựng NTM ở những xã đặc biệt khó khăn, đó là tỉnh miền núi Bắc Kạn. Tỉnh này có 59 trên tổng số 122 xã, phường, thị trấn thuộc diện khó khăn và đặc biệt khó khăn. Vì thế, xây dựng NTM ở những xã này ì ạch. Để khắc phục, ngay từ năm 2016, tỉnh đã có chủ trương phân công các đơn vị cấp sở, ngành giúp đỡ xã khó khăn xây dựng NTM giai đoạn 2017-2020. 68 đơn vị được phân công giúp đỡ 59 xã. Bằng nhiều hình thức khác nhau, mỗi đơn vị với lợi thế của mình đã cụ thể hóa thành việc làm thiết thực, phù hợp thực tiễn địa bàn được phân công giúp đỡ. Chính vì thế mà việc xây dựng NTM ở những xã đặc biệt khó khăn của Bắc Kạn có lối ra.

Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Thành tựu đã đạt được thời gian qua sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu để hoàn thành xây dựng NTM những vùng khó khăn, và hơn nữa là hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống người dân, làm cho khu vực nông thôn trở nên trù phú, người dân ấm no hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng nông thôn mới ở vùng khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO