Xây dựng thương hiệu để cạnh tranh

Nhật Minh (thực hiện) 08/06/2017 08:35

Có nhiều lợi thế về truyền thống, văn hóa, đặc tính vùng miền… song sản phẩm của các làng nghề thủ công mỹ nghệ vẫn đang rất khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.

Theo bà Hà Thị Vinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ là yếu tố quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Bà Hà Thị Vinh.

PV: Nhắc đến thương hiệu, bất cứ DN nào cũng phải thừa nhận, đó là yếu tố quyết định của sự phát triển chính bản thân DN, bà có thể chia sẻ đôi điều về vấn đề này?

Bà Hà Thị Vinh: Nhãn hiệu và thương hiệu là những yếu tố quan trọng đối với mỗi DN nếu muốn phát triển một cách bền vững. Đây là một công cụ hữu hiệu để phát triển thị trường cho sản phẩm của các DN sản xuất.

Khi nói đến thương hiệu thì bản thân các DN cũng tự hiểu, nhãn hiệu là định vị cho thương hiệu. Nếu thiết kế được một nhãn hiệu và được bảo hộ thì thông qua đó sẽ xây dựng và phát triển được thương hiệu cho DN.

Đặc biệt, khi các sản phẩm được đem ra thị trường với nhãn hiệu đã được ấn định, người tiêu dùng trong và ngoài nước sẽ hiểu được đấy là sản phẩm của công ty nào và chất lượng ra sao để tin tưởng lựa chọn.

Nhiều ý kiến cho rằng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có nhiều lợi thế nhờ danh tiếng truyền thống. Song dường như nhiều DN chưa biết cách phát huy lợi thế riêng đó?

- Xây dựng thương hiệu riêng cho mình để không bị nhầm lẫn giữa các sản phẩm của DN này với DN khác, giữa các nước hay các vùng miền khác nhau, đó là điều mỗi DN phải tự ý thức được.

Bởi vậy, tôi cho rằng, vấn đề thiết kế nhãn hiệu riêng của từng DN là rất cần thiết và đây là công cụ hữu hiệu để phát triển sản phẩm và DN một cách bền vững.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là những sản phẩm luôn tiềm tàng tâm hồn và những câu chuyện trong nó. Nếu kèm theo cùng nhãn hiệu và thương hiệu của từng DN thì nó sẽ tạo nên câu chuyện của từng sản phẩm và của từng DN. Đây là cách để DN phát triển bền vững trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có những sự phát triển nhất định nhưng trong quá trình đó có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa bà?

- Hiện nay chúng tôi cho rằng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nói chung, hay của Hà Nội và từng DN nói riêng, có những cái rất lợi thế. Ví dụ như chúng tôi nằm trong làng nghề truyền thống hàng ngàn năm tuổi, chúng tôi làm theo thế hệ cha truyền con nối, đời này qua đời khác.

Đó là lợi thế về mặt thương hiệu truyền thống nhưng chỉ dựa vào đó mà không có sự đầu tư về mặt xây dựng thương hiệu bằng việc nâng cao chất lượng, mẫu mã thiết kế kèm theo cả khoa học công nghệ.

Những vấn đề trong sản xuất như chế biến nguyên liệu, công cụ cho tạo hình thì không DN nào có thể phát triển được. Nếu như có thêm sự trợ giúp của cơ chế chính sách của Nhà nước, của Bộ Khoa học Công nghệ, của Sở Công thương cho những xúc tiến mới thì chúng tôi cho rằng sản phẩm sẽ được phát triển tốt, thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sẽ thăng hoa trên thị trường thế giới.

Thưa bà, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, để nâng cao sức cạnh tranh, doanh nghiệp cần những yếu tố gì trong chính sách?

- Khi Việt Nam hội nhập rất sâu rộng với thế giới như hiện nay, DN rất cần sự trợ giúp của Nhà nước với vai trò như một “bà đỡ”, một tay vịn để cho các hiệp hội ngành nghề, cũng như các DN sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo tôi, để có thể cạnh tranh được với thị trường thế giới thì các sản phẩm phải có sự độc đáo và đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm. Làm sao phải đánh trúng thị hiếu khách hàng tại thị trường nước ngoài những vẫn giữ được hồn cốt của văn hóa Việt, thể hiện sự sắc sảo, sự khéo léo của đôi bàn tay Việt trong khi sáng tạo các sản phẩm.

Có như vậy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam mới có thể đứng vững và tổn tại được tại thị trường nước ngoài cũng như cả ở thị trường trong nước.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng thương hiệu để cạnh tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO