Xây dựng thương hiệu: Không phải ‘ngày một ngày hai’

Minh Phương 12/01/2021 09:34

Chúng ta đã có những thương hiệu mạnh như Vin Group, Sun Group, TH Truemilk, Hoà Phát, FPT... nhưng đó chỉ là con số nhỏ trong số hàng trăm ngàn DN Việt hiện nay. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu, tạo dựng vị thế trên thương trường?

Khaisilk đã dễ dàng đánh mất thương hiệu chỉ vì cái lợi trước mắt.

Giới chuyên gia nhận định, các DN luôn đặt câu hỏi: Làm cách nào để xây dựng thương hiệu, tạo dựng được vị thế trên thương trường, nhưng không phải DN nào cũng bắt tay vào xây dựng thương hiệu một cách bài bản.

Thậm chí có DN dễ dàng phá bỏ thương hiệu chỉ vì lợi ích trước mắt. Trong bối cảnh hiện nay, những DN dễ dàng phá vỡ thương hiệu hoặc không coi trọng việc xây dựng thương hiệu sẽ không thể phát triển. Chính bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, dù là khó khăn, gian nan thế nào, mất bao nhiêu thời gian, công sức đi nữa, câu chuyện xây dựng thương hiệu cũng cần phải được DN Việt đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển của mình, nếu không muốn sớm biến mất khỏi thương trường.

Từ sự khởi đầu với 13 nhân sự, không vốn liếng, kinh nghiệm, giờ đây FPT trở thành DN tỷ đô và đang tiếp tục vươn lên, khẳng định vị trí, thương hiệu của mình trên toàn cầu. Hiện, FPT cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin cho khách hàng tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, 43% doanh thu hiện tại của FPT đến từ thị trường nước ngoài.

Một thương hiệu khác là Tân Hiệp Phát. Khởi đầu gần như con số 0 và tạo dựng sự nghiệp bằng một dây chuyền sản xuất cũ nát được mua từ nhà máy bia Sài Gòn. Thế nhưng liên tục thời gian qua, DN này tăng trưởng luôn ở mức hai con số.

Theo doanh nhân Trương Gia Bình, để có được tên tuổi, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường cả trong nước và quốc tế, thực sự cần ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên của DN. “Để đến được với những thành công, gây dựng được thương hiệu mạnh như hiện nay, những người chủ doanh nghiệp đã vượt qua nỗi sợ hãi, có khát vọng, có tầm nhìn lớn, sẵn sàng bỏ qua những lời đề nghị “ngọt ngào” như lời mời trị giá 2,5 tỷ USD mà Cocacola dành cho Doctor Thanh để mua lại thương hiệu này của Tân Hiệp Phát”, ông Bình phân tích.

Nói về câu chuyện xây dựng thương hiệu của cộng đồng DN Việt, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định, các DN Việt Nam gần đây đã chú trọng hơn đến việc tạo dựng thương hiệu, song phần lớn DN còn chậm chạp. Nhiều DN thậm chí không quan tâm, không coi việc xây dựng thương hiệu, thế nên mới có những thương hiệu vừa xây dựng chưa được bao lâu đã tự tay phá bỏ như Vinaca hay một số thương hiệu nổi tiếng khác. “Thực trạng “xây thương hiệu thì khó, phá thì dễ” của một số DN khiến cho chữ tín của cộng đồng DN bị tổn hại không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở cả thế giới”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo giới chuyên gia trong ngành, câu chuyện xây dựng thương hiệu thời gian qua được bàn đến rất nhiều, song, không phải DN nào cũng khởi đầu tốt đẹp. Nhiều DN có quan điểm rằng, phải có vốn lớn, phát triển mạnh rồi mới xây dựng thương hiệu. Hoặc có DN chỉ chăm chăm đi tìm cái khác biệt, cái duy nhất để tạo thương hiệu.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Một trong những yếu tố quan trọng mà DN cần phải có đó là văn hóa thương hiệu, để ứng xử với khách hàng văn minh hơn, để người tiêu dùng mến mộ hơn.

Thương hiệu nằm trong tâm trí khách hàng. Một thương hiệu lớn không nằm ở cái hữu hình có thể nhìn thấy được (logo, tên, slogan…) mà là ở mối quan hệ sâu sắc với khách hàng trong thời gian dài, được khách hàng tin tưởng, lựa chọn như thế nào và duy trì điều đó ra sao.

Theo TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, xây dựng thương hiệu chính là yếu tố sống còn của mỗi DN. Không chỉ bởi đó là cách để DN giữ được chữ tín, niềm tin nơi người tiêu dùng, mà còn là công cụ hiệu lực nhất để các DN Việt có thể nâng sức cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Xây dựng thương hiệu chính là tạo dựng uy tín của DN đối với người tiêu dùng. Khi đã tạo dựng được thương hiệu nổi tiếng, các nhà đầu tư cũng không e ngại khi đầu tư vốn vào DN; bạn hàng của DN cũng sẽ sẵn sàng hợp tác kinh doanh, cung cấp nguyên liệu và hàng hoá cho DN. Thương hiệu luôn là tài sản vô hình nhưng có giá trị rất lớn của DN. Thông qua thương hiệu người tiêu dùng tin tưởng hơn và mong muốn được lựa chọn, tiêu dùng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng thương hiệu: Không phải ‘ngày một ngày hai’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO