Xây dựng thương hiệu phải từ tâm doanh nghiệp

Minh Phương 09/04/2021 09:00

Làm cách nào để xây dựng thương hiệu, tạo dựng được vị thế trên thương trường? Các doanh nghiệp (DN) luôn đặt câu hỏi như vậy song không phải DN nào cũng bắt tay vào xây dựng thương hiệu ngay từ khi khởi nghiệp, hoặc có DN vừa gây dựng xong đã bị sụp đổ chỉ vì những lợi ích trước mắt.

Sau sự cố, chuỗi cửa hàng CleverFood đã tạm đóng cửa hai chi nhánh để đào tạo lại nhân lực, khắc phục sai sót.

CleverFood - Chuỗi cửa hàng bán thực phẩm sạch tại Hà Nội vừa phải tạm đóng cửa chỉ vì sơ suất của nhân viên bán hàng khi để “lọt” một sản phẩm đồ ăn “bẩn” đến tay người tiêu dùng. Ngay lập tức, chủ chuỗi cửa hàng này, ông Hà Minh Đức, Giám đốc CleverFood đã phải tạm đóng 2 cửa hàng trong chuỗi CleverFood của mình trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Trên trang facebook cá nhân của mình, ông Đức đã chính thức lên tiếng xin lỗi vị khách hàng đã mua phải sản phẩm không sạch của Công ty mình cũng như xin lỗi tất cả các khách hàng do Công ty sơ suất đã để xảy ra sự cố. Cùng với việc tạm thời đóng cửa hai cửa hàng dừng hoạt động kinh doanh một thời gian, vị chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch cam kết: Sẽ khắc phục những sai sót đã gây ra, đồng thời rà soát lại toàn bộ chuỗi cửa hàng để xem xét lại khâu nào để xảy ra lỗi.

“Thương hiệu nằm trong tâm trí khách hàng. Một thương hiệu lớn không nằm ở cái hữu hình có thể nhìn thấy được (logo, tên, slogan…) mà là ở mối quan hệ sâu sắc với khách hàng trong thời gian dài, được khách hàng tin tưởng, lựa chọn như thế nào và duy trì điều đó ra sao”, doanh nhân Trương Gia Bình.

“Chúng tôi sẽ thanh lọc hàng hóa cũng như đào tạo lại nhân sự, siết chặt lại các quy trình để không còn những sản phẩm yếu kém chất lượng đến tay người tiêu dùng”, vị chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch cam kết trên trang facebook cá nhân của mình.

Chia sẻ với PV, ông Đức cho biết, “mặc dù cần mất một thời gian dài để đào tạo lại nhân sự, khắc phục những khuyết điểm trong các khâu, song lâu mấy chúng tôi cũng phải làm vì quyền lợi của khách hàng cũng như uy tín của DN”.

Đây lại là một bài học tiếp theo trong câu chuyện xây dựng thương hiệu của cộng đồng DN trong thời gian qua. Dù DN có cố gắng bao nhiêu, kinh doanh uy tín đến mức nào nhưng chỉ một sơ suất nhỏ có thể khiến sụp đổ tất cả những công sức mà họ đã dày công xây dựng trong một thời gian dài trước đó.

Câu chuyện của chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch nói trên là một “tai nạn”, một sự cố đáng tiếc, nhưng cách nhận lỗi của vị chủ DN cho thấy, đối với DN này, họ vẫn luôn coi trọng chữ tín, đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên hết. Họ chấp nhận đóng cửa một thời gian, chịu thiệt hại lớn về tài chính để gìn giữ được chữ tín, gìn giữ được thương hiệu đã dày công xây dựng bao nhiêu năm.

Điều này trái ngược hẳn với một số DN, vì lợi nhuận sẵn sàng đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của khách hàng, làm mất thương hiệu của mình chỉ vì lợi nhuận trước mắt. Đó là câu chuyện của Khaisilk hay Vinaca mà chúng ta đã từng chứng kiến trong quá khứ.

Xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu như các DN sản xuất kinh doanh luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên, luôn giữ chữ tín và coi trọng thương hiệu của mình. Với câu chuyện xây dựng thương hiệu của cộng đồng DN Việt, TS Võ Trí Thành từng nhiều lần cảnh báo “xây thì khó, phá thì dễ”, để thấy rằng trên thương trường, DN muốn tồn tại hay không phụ thuộc vào chính thái độ, tư duy, cách hành động của mình. Hay nói cách khác, thương hiệu của DN phải được xây dựng từ chính cái tâm của DN.

Trở lại với câu chuyện của CleverFood, hành động xin lỗi khách hàng kịp thời của vị chủ DN đã nhận được sự thông cảm của nhiều người tiêu dùng. Trên trang facebook cá nhân của ông Đức, nhiều khách hàng đã bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ và mong chuỗi cửa hàng sớm khắc phục được những điểm yếu, quay trở lại hoạt động kinh doanh. Điều này hoàn toàn khác với thái độ tẩy chay, quay lưng của người tiêu dùng đối với một số DN làm ăn gian dối, đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của khách hàng.

Theo TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, xây dựng thương hiệu chính là yếu tố sống còn của mỗi DN. Không chỉ bởi đó là cách để DN giữ được chữ tín, niềm tin nơi người tiêu dùng, mà còn là công cụ hiệu lực nhất để các DN Việt có thể nâng sức cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng thương hiệu phải từ tâm doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO