Xây dựng thương hiệu, tăng xuất khẩu

H.Hương 08/08/2017 08:00

Từ xuất khẩu qua trung gian sẽ chuyển đổi sang xuất khẩu trực tiếp, phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm là Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cần xây dựng thương hiệu cho nông sản để tăng cạnh tranh, xuất khẩu. Ảnh: Việt Cường.

Xác định nhóm hàng ưu tiên

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu; trong đó giá trị của các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay. Bên cạnh đó là sự tăng dần tỷ trọng xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm thời kỳ 2016 - 2020.

Các mặt hàng ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh gồm nhóm hàng nông, thủy sản, trong đó cần chú ý đến các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, hạt tiêu... Với nhóm hàng công nghiệp chế biến, lưu ý các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu, trong đó bao gồm: Dệt may; giày dép; đồ gỗ; điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...

Đề án khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa phù hợp với từng thị trường và năng lực của doanh nghiệp; tham gia vào mạng lưới sản xuất, phân phối ở nước ngoài và các chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối, giữa các khâu sản xuất - vận chuyển - chế biến – bảo quản - tiêu thụ, giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học…

Giải pháp chủ yếu thực hiện Đề án là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, đối với nông sản, chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Đối với sản phẩm công nghiệp, chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa.

Đề án cũng nhấn mạnh đến việc củng cố và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu. Tăng cường xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm xuất khẩu và thương hiệu doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu

Thời gian qua Việt Nam hiện đã có khá nhiều thương hiệu xuất hiện trong top thương hiệu hàng đầu thế giới, đặc biệt ở lĩnh vực nông sản. Nhiều doanh nghiệp Việt đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, song khi “xuất ngoại” vẫn phải “núp” dưới tên của các thương hiệu có giá trị trên thế giới mới có thể vào được thị trường quốc tế. Và đương nhiên, khi phải mượn danh thì các doanh nghiệp Việt sẽ thiệt thòi đủ đường.

Theo đánh giá, phần lớn nông sản Việt Nam chủ yếu xuất nguyên liệu thô, các nhà nhập khẩu nhập về sẽ chế biến, đóng gói, lấy tên thương hiệu của họ, như mặt hàng gạo, cà phê là những dẫn chứng cụ thể. Hiện phần lớn gạo Việt Nam khi xuất ra nước ngoài, thường lấy tên chung như: Gạo trắng hạt dài, gạo 5% tấm, gạo 25% tấm… chứ chưa có thương hiệu cụ thể nào cả. Trên bao gì xuất khẩu, các nhà nhập khẩu thường để sẵn tên của nước ngoài, chỉ để dòng chữ nhỏ là xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam.

Ông Lại Tiến Mạnh, một chuyên gia về thương hiệu phân tích: Sản phẩm mũi nhọn của Việt Nam như nông sản, thủy sản đã xuất khẩu nhiều rồi. Song điều đáng tiếc là nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia quá trình xuất khẩu đó chỉ dưới dạng hàng rời, xuất khẩu thô. Tức là ta chưa xây dựng được thương hiệu để xuất khẩu sản phẩm dưới danh nghĩa thương hiệu cụ thể.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy muốn gia tăng giá trị phải làm đến tận sản phẩm cuối cùng; từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu. Tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu phải phù hợp với từng thị trường, đạt chất lượng nhưng phải ổn định về lâu dài chứ mỗi lô một chất lượng thì không bền vững.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, việc Việt Nam đang tham gia hội nhập ngày càng sâu rộng nên yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam là cần phải nâng cao sức cạnh tranh, năng suất cho hàng hóa xuất khẩu. Để đảm bảo tính bền vững khi doanh nghiệp tham gia cạnh tranh với thị trường quốc tế thì việc xây dựng thương hiệu hiện đang mang giá trị, ý nghĩa cho doanh nghiệp khi tham gia cạnh tranh ở thị trường nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng thương hiệu, tăng xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO