Xe công nghệ cạnh tranh gay gắt

Đoàn Xá 17/10/2019 08:00

Không phải cạnh tranh với các hãng xe truyền thống như cách đây vài năm nhưng hiện nay các hãng xe công nghệ lại đang cạnh tranh với nhau khá gay gắt, nhất là các thị trường ở thành phố lớn. Thậm chí, hàng loạt dịch vụ công nghệ gọi xe có sự ra mắt hoành tráng nhưng sau khoảng một vài năm đã âm thầm biến mất…

Khoảng 10 năm trở lại đây thị trường vận tải cá nhân công cộng ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội có sự thay đổi rất nhiều. Thực tế, ở TPHCM ngoài Grab là hãng xe công nghệ lớn nhất, chỉ có Go-Viet hay Be là hãng công nghệ đủ sức cạnh tranh sau khi Uber rút lui. Không phải bởi thị trường không xuất hiện các hãng gọi xe khác mà hầu hết các dịch vụ này sau khi ra đời đều tàn lụi, không thể cạnh tranh được.

Có thể kể đến các dịch vụ gọi xe từng ra mắt người dân TPHCM như Mai Linh Open 99, Aber, Vato, Fast-Go…Đây điều là các dịch vụ gọi xe được quảng cáo rầm rộ, có hướng đi riêng, lộ trình duy trì phát triển riêng nhưng chỉ ít lâu sau, tất cả đều có chung một kết cục - đó là lặng lẽ biến mất hoặc hoạt động lay lắt. Điều đó cho thấy sự khốc liệt của việc cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ gọi xe, đúng theo mô hình “cá lớn nuốt cá bé”. Nhưng điều nghịch lý hơn cả là những hãng giành thị phần, đã chiến thắng trong cuộc đua này cũng không hề dễ sống. Bên cạnh việc phải cạnh tranh với nhau, họ buộc phải có hướng đi riêng, ngoài lĩnh vực gọi xe nếu không chắc chắn sẽ rơi vào phá sản.

Đặc biệt, các hãng công nghệ luôn phải căng mình khuyến mãi. Đó cũng là lý do để nhiều hãng công nghệ nhỏ lẻ như đã kể ở trên lặng lẽ rời thị trường sau khi không đủ nguồn tiền “bơm” khuyến mại. Ví dụ như khi mới ra mắt, dịch vụ Go-Viet đã tung gói khuyến mãi với giá chỉ 5.000 đồng/chuyến xe. Khuyến mãi này chỉ kéo dài vài tháng nhưng nó đã khiến nhiều hãng công nghệ khác xuất hiện trước Go-Viet mất hết hành khách. Ngay cả Grab dù đã chiếm lĩnh thị phần cũng buộc phải tung dịch vụ khuyến mãi với giá 2.000 đồng/chuyến xe nhằm níu kéo khách hàng. Sau những đợt khuyến mãi giảm giá để “thâu tóm” khách hàng và triệt hạ các đối thủ nhỏ, đến nay thị phần gọi xe ở TPHCM và một số thành phố lớn khác gần như chỉ còn Grab và Go-Viet và Be.

Thế nhưng, bản thân các hãng công nghệ này cũng đang chật vật giữ thị phần cũng như làm hài lòng đối tác tài xế lẫn khách hàng. Và hướng đi mới của các hãng này không gì khác là thị phần dịch vụ giao nhận thức ăn, hàng hoá. Ngoài thị trường giao nhận đồ ăn, các hãng công nghệ cũng nhắm tới và bắt đầu có sự cạnh tranh gay gắt ở một lĩnh vực khác là ví điện tử với mục đích kiểm soát dòng tiền cũng như tạo mạng lưới kết hợp giữa khách hàng, tài xế, dịch vụ cung cấp đồ ăn và ngân hàng.

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về công nghệ, dù các công ty công nghệ như Grab, Go-Viet, Be… có nhiều lợi thế, nhận được sự quan tâm, lựa chọn của nhiều người nhưng bản chất vẫn là xu thế. Các công ty này sẽ không giữ được sự ổn định kinh doanh nếu không có dịch vụ mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng ở các đô thị lớn. Đặc biệt, các hãng công nghệ thành công và phát triển hầu hết nhờ biết “lách luật”, biết tìm ra các liên kết nhờ kỹ thuật internet. Đây vừa là ưu điểm cũng vừa là nhược điểm, nhất là khi hệ thống pháp luật được cải thiện để kiểm soát tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xe công nghệ cạnh tranh gay gắt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO