Xếp hạng doanh nghiệp XKLĐ năm thứ 4: Không doanh nghiệp nào đạt hạng 6 sao

L.H 20/04/2017 08:05

Bộ Quy tắc ứng xử (COC-VN) là một công cụ tự nguyện được áp dụng đối với các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm cải thiện mức độ tuân thủ với luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy quản lý doanh nghiệp tốt hơn và bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài khỏi việc bị bóc lột, kể cả lao động cưỡng bức và mua bán người. Tuy nhiên sau 4 năm tham gia không có doanh nghiệp nào được xếp hạng cao nhất (6 sao).

Đây là năm thứ tư Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) tổ chức hội nghị nhằm đánh giá và xếp hạng các doanh nghiệp tham gia XKLĐ ký cam kết tuân thủ các nguyên tắc và hướng dẫn của COC-VN.

Việc xếp hạng các doanh nghiệp chia thành 6 bậc dựa trên kết quả đánh giá của Hội đồng được thu thập thông tin từ các Sở LĐTB&XH, Thanh tra Bộ LĐTB&XH, Thanh tra Cục Quản lý Lao động ngoài nước, các Ban Quản lý Lao động ngoài nước…

Trong năm thứ tư xếp hạng, số lượng doanh nghiệp tuyển dụng tham gia để được giám sát, đánh giá tăng từ 20 doanh nghiệp trong năm đầu tiên; 47 doanh nghiệp trong năm thứ hai; 66 doanh nghiệp năm thứ ba lên 86 doanh nghiệp được xếp hạng lần thứ tư.

Kết quả đánh giá cho thấy, không có doanh nghiệp nào được xếp hạng 6 sao, 37 doanh nghiệp xếp hạng 5 sao, 41 doanh nghiệp xếp hạng 4 sao, 8 doanh nghiệp xếp hạng 3 sao và không có doanh nghiệp nào xếp hạng 2 sao, 1 sao.

Mặc dù số doanh nghiệp tham gia COC-VN năm 2016 chỉ chiếm 31,4% số doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhưng số lao động do các doanh nghiệp này đưa đi chiếm tới 61,62% tổng số lao động xuất cảnh. Trong năm tới, số lượng doanh nghiệp tham gia đánh giá, xếp hạng này sẽ tăng lên 106 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch VAMAS cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã có những chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hơn các quy chế hoạt động theo hướng chuẩn mực của Bộ Quy tắc ứng xử. Kết quả cho thấy, chi phí cho người lao động đi xuất khẩu lao động đã giảm, các doanh nghiệp đã chuẩn bị tốt hơn về kiến thức và kỹ năng cho người lao động trước khi xuất cảnh, quản lí lao động khi ở nước ngoài và hỗ trợ lao động về nước cũng tốt hơn.

Bộ Quy tắc ứng xử là một cơ chế tự nguyện nhằm cải thiện việc tuân thủ pháp luật trong nước và các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường quản lý doanh nghiệp và bảo vệ lao động di cư tránh bị bóc lột và cưỡng bức lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xếp hạng doanh nghiệp XKLĐ năm thứ 4: Không doanh nghiệp nào đạt hạng 6 sao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO