Xét tuyển ĐH, CĐ 2017: Lo thí sinh ảo

Thu Hương 08/02/2017 08:35

Quy chế xét tuyển ĐH, CĐ nhóm ngành giáo viên vừa ban hành có nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh như không giới hạn số nguyện vọng, số trường, đăng ký xét tuyển cùng với thời gian đăng ký dự thi… Các trường ĐH đang phải đối mặt với bài toán chống thí sinh ảo.

Ảnh minh họa. (Nguồn: giaoduc.edu.vn).

Nhóm trường GX: Đề án tuyển sinh riêng, xét tuyển chung

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay các trường trong nhóm GX nghiêng về phương án mỗi trường sẽ công bố đề án tuyển sinh riêng như quy định của Bộ chứ không xây dựng đề án chung như năm ngoái. Tuy nhiên, khi xét tuyển thì sẽ xét tuyển theo nhóm.

Cụ thể, nhóm trường tự chủ tuyển sinh (GX) gồm 12 trường ĐH trong khu vực Hà Nội là ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Mỏ-Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, ĐH Thăng Long, Học viện Ngân hàng và Học viện Chính sách và Phát triển.

Trong đó, ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn là đơn vị chủ trì của nhóm trường để cùng nhau tuyển sinh nhưng chủ yếu hoạt động vào thời điểm xét tuyển. Năm ngoái, để thành lập và đưa vào hoạt động nhóm trường GX, trường ĐH Bách khoa Hà Nội phải soạn thảo một đề án để Bộ GD&ĐT phê duyệt nhưng năm nay quy chế tuyển sinh của Bộ không yêu cầu các nhóm (nếu có) phải soạn thảo đề án riêng.

Các trường là thành viên nhóm GX năm ngoái vẫn ủng hộ quan điểm khi xét tuyển thì vẫn cần lập nhóm. Ngoài ra, có thể mời thêm một số trường nữa để mở rộng quy mô tuyển sinh.

“Một số trường năm ngoái chưa tham gia GX năm nay cũng đã bày tỏ ý định muốn tham gia. Chúng tôi dự định sẽ mời thêm 6 - 7 trường ngoài nữa, trong đó có cả những trường khối y, dược. Tôi nghĩ là nếu có khoảng 20 trường tham gia nhóm sẽ là tốt nhất”- ông Tớp nói.

Giải thích điều này, ông Tớp cho biết kinh nghiệm tuyển sinh của nhóm GX năm ngoái cho thấy trong quá trình xét tuyển chắc chắn các trường đều cần phải có những điều chỉnh linh hoạt khi có những ngành thí sinh đăng ký rất đông, có những ngành rất ít. Năm nay thí sinh có nhiều nguyện vọng nên việc xét tuyển trên kho dữ liệu chung lại càng là một thách thức. Vì thế các trường cần họp lại để cùng xử lý dữ liệu, nhanh cho ra kết quả, thay vì ngồi chờ Bộ.

Trong khi đó, chủ yếu thí sinh đăng ký xét tuyển theo vùng miền nên nhóm trường chỉ cần quy tụ các trường cùng địa bàn phía Bắc, thậm chí chỉ cần khu vực đồng bằng sông Hồng với tổng chỉ tiêu nhất định là sẽ vừa đủ chỉ tiêu và bớt ảo. Như mùa tuyển sinh 2016, tỷ lệ ảo trung bình của nhóm GX chiếm khoảng 20-25%. Trong khi đó, nhiều trường bên ngoài xét tuyển độc lập, trúng tuyển “ảo” 40%, 50%... Ưu điểm của việc xét tuyển theo nhóm được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy trong mùa tuyển sinh năm nay.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Lê Hữu Lập- nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông phân tích, năm ngoái, khi thí sinh tham gia tuyển sinh theo nhóm trường chỉ được đăng ký thêm một trường bên ngoài. Vì thế nhóm trường có thể kiểm soát được nguyện vọng khác của thí sinh để trừ đi số trúng tuyển “ảo”. Nhưng năm nay, tuyển sinh theo nhóm nhỏ không thể giải quyết được “ảo” khi thí sinh được đăng ký 8, 9, 10,… nguyện vọng vào nhiều trường. Thậm chí “ảo” sẽ rất nhiều, vì nhóm trường khó có thể kiểm soát được số nguyện vọng bên ngoài của thí sinh.

Lo ngại sức tải của hệ thống

Một trong những biện pháp Bộ GD&ĐT đưa ra để giảm lượng thí sinh “ảo” là các trường sẽ được nhập lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến. Qua đó, hệ thống xét tuyển chung sẽ tự loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh trong trường hợp nhiều trường dự kiến trúng tuyển, để giữ lại nguyện vọng cao nhất. Vì vậy, nếu tham gia vào các nhóm xét tuyển chung thì việc lọc ảo sẽ dễ dàng hơn.

Nhưng các trường cũng cần có phương án dự phòng vì không phải thí sinh nào trúng tuyển cũng nhập học. Thực tế các năm qua cho thấy có những thí sinh khi đã trúng tuyển lại không nhập trường vì lý do nào đó.

Đặc biệt, trong trường hợp, số thí sinh trúng tuyển bị thiếu so với chỉ tiêu, các trường sẽ hạ điểm chuẩn để có số lượng đủ. Vì Bộ GD&ĐT chỉ cho phép thực hiện chạy 2 lần, để phòng “ảo”, có trường sẽ tuyển dư so với số chỉ tiêu đăng ký theo năng lực. Nếu thí sinh đến nhập học đủ theo giấy gọi thì sẽ làm khó các trường. Như vậy, xét tuyển theo phần mềm chung vẫn có “ảo” hoặc các trường phải tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, năm ngoái Bộ yêu cầu thí sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường trước khi thi nên các trường có thể sàng lọc, biết được thí sinh nào có thể học hay không học ở trường mình. Trong khi năm nay trong đợt xét tuyển 1 thí sinh được đăng ký xét tuyển cùng với thời gian đăng ký dự thi. Đồng thời, sau khi có kết quả thi thí sinh vẫn được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần nữa nên nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ lo ngại về sức tải của hệ thống.

“Sẽ mất bao lâu để chạy xong hết số liệu này? Đó là chưa kể đến những trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và kết quả học tập ở bậc THPT. Khi hai đối tượng thí sinh được xét tuyển độc lập dẫn đến nguyện vọng “ảo” càng lớn. Các trường cần tính đến phương án này để cân đối bài toán tuyển sinh tưởng thừa mà hóa ra lại thiếu”- vị chuyên gia này khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét tuyển ĐH, CĐ 2017: Lo thí sinh ảo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO