Xét xử sơ thẩm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Chi nhánh 6, TP.HCM: Đề nghị phạt “siêu lừa” chung thân, mức án nghiêm khắc với các “sếp” ngân hàng

Ảnh: HỒNG PHÚC 28/10/2015 16:57

Ngày 28/10, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dẫn đến thất thoát 966 tỷ đồng tại Ngân hàng NN&PTNT chi  nhánh 6 (gọi tắt là Agribank CN6), trong đó làm rõ các sai phạm liên quan đến địa chỉ nhà đất “số 10 Âu Cơ”. Đại diện Viện KSND TP.HCM  đã đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Làm rõ các sai phạm tại địa chỉ nhà đất “số 10 Âu Cơ”

Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận bào chữa cho ngân hàng Agribank đã lần lượt hỏi các bị cáo Hồ Văn Trung, nguyên GĐ Agribank CN6; Lê Thành Công (nguyên GĐ công ty Dệt kim Đông Phương); Dương Thanh Cường (nguyên tổng GĐ Công ty Bình Phát) và đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của các ngân hàng Agribank và Ngân hàng Phương Nam. Luật sư Hòa cho rằng, địa chỉ nhà đất “số 10 Âu Cơ” là một trong những điểm mấu chốt trong vụ án này cần được làm rõ.

Bản cáo trạng của Viện KSND Tối cao (số 08/VKSTC-V1B) dẫn lại kết quả điều tra của cơ quan chức năng xác định địa chỉ “số 10 Âu Cơ” là trụ sở chính của công ty Dệt kim Đông Phương. Năm 2006, công ty này chuyển một phần diện tích (5.000/22.136m2) cho UBND TP.HCM làm trụ sở Công an Q.Tân Phú, còn lại 17.136m2 để lập Dự án đầu tư xây dựng Khu thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng theo quy hoạch của thành phố.

Đến tháng 12/2006, bị cáo Lê Thành Công (đại diện bên A) đã ký hợp đồng liên doanh với ông Vương Thoại Nguyên (Tổng GĐ công ty CP bất động sản Phương Nam, đại diện bên B) để hợp tác kinh doanh xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và chung tâm cao tầng tại “số 10 Âu Cơ”.

Trước tòa, bị cáo Lê Thành Công đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình trong quá trình hợp tác liên doanh nêu trên. Cụ thể, khi Dương Thanh Cường đến hỏi vay 10 tỉ đồng thì Công đã liên hệ ký hợp đồng vay của công ty Thành Công 10 tỉ đồng. Sau khi nhận được khoản vay này, Công chỉ đạo lập ủy nhiệm chi 9,5 tỉ đồng cho Cường. Trong hợp đồng vai này, ông Công không đưa ra bàn bạc lấy ý kiến tập thể lãnh đạo công ty Dệt kim Đông Phương về việc cho Cường vay tiền, nhưng với tư cách giám đốc đã tự ký hợp đồng với công ty Thành Công để sau đó cho Cường vay lại. Trong phi vụ này, ông Công bị phát hiện đã “đút túi” riêng khoảng 500 triệu đồng. Đến tháng 9/2012 khi vụ việc bị phanh phui thì ông Công đã tự nguyện nộp lại số tiền này cho cơ quan điều tra.

Bị cáo Dương Thanh Cường khai nhận, với tư cách Tổng GĐ công ty Bình Phát đã viết giấy cam kết đề nghị vay 10 tỷ đồng của công ty Dệt kim Đông Phương, do Công làm GĐ. Tuy nhiên, Cường chỉ nhận số tiền 9,5 tỷ đồng, từ đó thì cả Cường và Công không nhắc lại số tiền này nữa. “Bị cáo vay của công ty Đông Phương 10 tỷ đồng và chỉ nhận 9,5 tỷ đồng nhưng vẫn xác nhận công nợ là 10 tỷ đồng, còn 500 triệu Công giữ trả lãi bao nhiêu, cho ai thì không biết”, Cường khai trước tòa.

Không dừng lại ở đó, ngày 28/9/2007, ông Cường tiếp tục mang tài sản số 10 Âu Cơ đến thế chấp tại Agribank CN 6 để lấy tiền. Sau đó, Cường dùng mối quan hệ tiếp tục mượn lại được sổ đỏ của bất động sản tại “số 10 Âu Cơ”, cùng các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác rồi đem sang Ngân hàng Phương Nam để thế chấp vay tiền. Thậm chí, với hành vi lừa đảo chuyên nghiệp của mình, ông Cường còn chỉ đạo cho bị cáo Thái Cường (GĐ công ty Tấn Phát - công ty con của Cường) lập hồ sơ vay 170 tỷ đồng của Agribank CN6 với tài sản thế chấp là chính khu đất “số 10 Âu Cơ”. Sau đó, Cường tiếp tục chỉ đạo Thái Cường mượn giấy tờ thế chấp khu đất này ra khỏi Agribank CN6 để mang sang thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam với mục đích tiếp tục vay của ngân hàng này gần 19.000 lượng vàng. Với các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên tiếp của mình thì bị cáo Cường đã đẩy hai ngân hàng Agribank và Phương Nam vào thế phải giành - giữ lấy tài sản bị Cường qua mặt.

Liên quan đến các hành vi lừa đảo của Cường, bị cáo Hồ Văn Trung khai nhận sau khi phát hiện bị mất 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã đến gặp ông Trầm Bê (lúc đó là chủ tịch HĐQT ngân hàng Phương Nam) để bàn cách giải quyết. Bị cáo Trung cũng thừa nhận có sai sót khi không thường xuyên kiểm tra việc công ty Bình Phát do Cường đứng đầu liên tục xin gia hạn các giấy tờ nêu trên và thực hiện các hành vi lừa đảo.

Tại tòa, đại diện ngân hàng Phương Nam yêu cầu HĐXX thu hồi hoặc hủy bỏ quyết định ngăn chặn 23 giấy tờ trên để Ngân hàng này được phép thực hiện thu hồi các khoản nợ theo các hợp đồng ủy quyền đã ký trước đó. Về phía Agribank cũng đề nghị HĐXX tuyên trả lại cho ngân hàng này 23 giấy tờ trên, đồng thời được nhận lại tài sản là 38 ha đất tại KCN Đức Hòa, tỉnh Long An. Lý do ngân hàng này đưa ra các giấy tờ bị cáo Cường thế chấp tại Agribank CN 6 đều đã được Cổng thông tin của ngân hàng này cho đăng tải công khai trên mạng. Do đó, khi Ngân hàng Phương Nam chấp nhận cho vay chồng lên tài sản đã được thế là một vấn đề mà Agribank không chịu trách nhiệm. Từ đó, việc trả lại các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất cho Agribank là hợp lý.

Hồ Đăng Trung, nguyên Giám đốc Agribank CN 6 bị đề nghị 18 – 20 năm tù.

“Siêu lừa” bị đề nghị chung thân

Trong phiên xét xử vào chiều 28/10, đại diện VKSND TP.HCM đã phát biểu quan điểm về vụ án và đưa ra mức án đề nghị đối với từng bị cáo.

Vị đại diện Viện KSND cho biết, tại tòa các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội như bản cáo trạng đã nêu. Theo đó, bị cáo Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc Agribank CN 6) dù biết rõ các quy định trong lĩnh vực tín dụng nhằm đảm bảo khả năng bảo toàn vốn nhưng vì một số động cơ như muốn tăng doanh số, bị cáo và thuộc cấp đã bất chấp quy định của pháp luật cho vay vượt quyền phán quyết, cho vay không có biện pháp bảo đảm, không thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro gây thiệt hại của Nhà nước số tiền đặc biệt lớn.Với hành vi trên, bị cáo Hồ Đăng Trung đã vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thiệt hại 966 tỷ đồng, Viện KSND đã đề nghị mức án từ 18 năm tù đến 20 năm tù đối với bị cáo này.

Cùng bị truy tố về tội danh trên, các bị cáo còn lại đưa ra các lý do như các bị cáo nhận hồ sơ từ cấp trên, do tin tưởng, không biết Cường sử dụng các giấy CNQSDĐ để thế chấp vay tiền tại ngân hàng Phương Nam. Các bị cáo đã gây thiệt hại cho Agribank CN 6 hàng trăm tỷ đồng. Do đó, đại diện Viện KSND đã đề nghị mức án đối với nhóm cán bộ lãnh đạo Agribank CN 6, gồm: Hồ Văn Long mức án từ 16 - 18 năm tù; Trương Nhật Quang 12-14 năm tù; Quốc Bảo 14-16 năm tù, Nguyễn Hoàng Quốc Thụy 8-10 năm tù. Ba bị cáo còn lại bị đề nghị từ 18- 20 năm tù về một trong hai tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đại diện Viện KSND cũng đề nghị tuyên phạt Dương Thanh Cường tù chung thân về hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, cơ quan này đề nghị tuyên phạt bị cáo Lê Thành Công từ 23 - 25 năm tù về hai tội “lạm dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn, trong khi thi hành công vụ”; Đỗ Trọng Nhân từ 10 đến 11 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngày 29/10, phiên tòa sẽ tiếp tục.

LÊ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xét xử sơ thẩm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Chi nhánh 6, TP.HCM: Đề nghị phạt “siêu lừa” chung thân, mức án nghiêm khắc với các “sếp” ngân hàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO