Xóa bỏ 'bổn phận'

Ngọc Anh 29/11/2016 10:10

Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam (diễn ra từ 15/11 đến 15/12/2016). Chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” của Tháng hành động cho thấy định kiến giới và bất bình đẳng giới ở Việt Nam sau nhiều năm nỗ lực xóa bỏ vẫn còn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Ở thành phố, chỉ cần nhìn vào các quán nhậu tràn lan buổi chiều tối, nhất là các quán bia hơi, với tỉ lệ chiếm phần đông là nam giới, có thể hình dung phần nào về gia đình Việt hiện nay.

Một người bạn tôi làm công tác ngoại giao, đã từng đi nhiều nước trên thế giới, bảo rằng: Có bao nhiêu đàn ông ngồi quán bia vào lúc chiều tối, sau giờ làm việc, là có bấy nhiêu gia đình Việt không có bữa tối xum họp hoặc giả dụ các ông có vội vã rời quán bia trở về ăn tối muộn thì cũng đồng nghĩa với đón con và nấu bữa tối hoàn toàn do phụ nữ đảm nhiệm.

Còn ở nông thôn, trên các cánh đồng bây giờ, phần lớn là phụ nữ làm việc: cấy lúa, trồng rau, nhổ cỏ, bón phân, phun thuốc sâu, thu hoạch nông sản và mang ra chợ bán… Càng ngày, công cuộc đô thị hóa nông thôn càng khiến không ít đàn ông trở nên lười biếng, tha hóa bởi rượu chè, cờ bạc, karaoke và nhiều tệ nạn khác…

Bình đẳng giới là một vấn đề được Nhà nước quan tâm từ rất sớm. Với rất nhiều nỗ lực nhằm cải thiện khung pháp lý thực hiện bình đẳng giới như Quốc hội đã ban hành Luật Bình đẳng giới, lồng ghép bình đẳng giới vào một số bộ luật và chính sách đã được ban hành. Đặc biệt, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia trong khu vực mà phụ nữ tham gia Quốc hội chiếm tỷ lệ cao nhất…

Tuy nhiên khoảng cách về bình đẳng giới vẫn còn xa, bởi vì vẫn chưa đạt được bình đẳng giới thực sự cho phụ nữ tính bao trùm trong toàn xã hội, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa… Bởi vậy, phụ nữ và trẻ em gái cho đến những năm tháng này vẫn thuộc vào nhóm dễ bị tổn thương.

Thực sự là trong xã hội phát triển ngày nay lại tồn tại một nghịch lý, theo nhận định của bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện của UN Women Việt Nam: Nếu những lợi ích của tăng trưởng kinh tế được phân bổ không đều và quản lý không tốt, quá trình hội nhập có thể duy trì sự tách biệt về giới trên thị trường lao động, làm gia tăng tình trạng dễ bị tổn thương của lao động nữ và duy trì sự phân biệt về tiền lương giữa hai giới.

Cho đến nay, ở Việt Nam phần lớn phụ nữ nông thôn, nhất là khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, nguồn sinh kế chính vẫn dựa vào nông nghiệp. Nhưng họ lao động mà không được tính công một cách rõ ràng, nhất là lao động trong các khu ruộng vườn hoặc nông trại của gia đình. Điều này càng khiến họ trở nên dễ bị tổn thương, do mặc dù lao động rất vất vả nhưng họ vẫn được coi như không tạo ra thu nhập.

Tương tự, ở thành phố, phụ nữ Việt Nam dành nhiều thời gian để làm công việc gia đình. Nhưng công việc nội trợ ấy hoàn toàn không được tính công và trả công. Mặc nhiên, so với nam giới, gánh nặng công việc nhà dồn lên vai họ và không được trả công.

Trong khi công việc ấy đã tước đi của phụ nữ khả năng tiếp cận đến các cơ hội kinh tế khác và năng lực tham gia vào các công việc được trả công của phụ nữ bị hạn chế đi rất nhiều do vướng việc nhà. Rồi, tương tự phụ nữ nông thôn, dù làm việc nhà vất vả, phụ nữ thành thị vẫn thiếu sự bình đẳng trong gia đình khi họ bị mặc nhiên coi là không làm ra tiền.

Điều đáng nói nhất là cho đến thập kỉ thứ 2 của thế kỷ 21, trên bàn nhậu, không ít đàn ông Việt Nam vẫn đem việc “sợ vợ” ra bàn luận như một trò đùa. Trong số ấy, không ít người có trình độ, có địa vị xã hội. Họ đôi khi khích bác lẫn nhau, rồi coi việc “không sợ vợ” như một thước đo cho phẩm chất đàn ông. Chưa kể, họ cùng nhau bàn cách làm thế nào để “nói dối vợ một cách hoàn hảo nhất”.

Trong khi sự thật ngay cả “sợ vợ” không đồng nghĩa với bình đẳng giới nếu thiếu tôn trọng phụ nữ và nhìn nhận vai trò, vị trí của phụ nữ khác đi. Cũng như bình đẳng giới không đồng nghĩa với việc đàn ông hối hả tặng hoa, tặng quà, mời đi ăn hoặc dành cho phụ nữ được thể hiện vài thứ quyền nào đó vào một vài ngày nào đó trong năm.

Thay đổi định kiến về giới trong một xã hội vốn mang truyền thống phương Đông như nước ta quả là một hành trình khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng nói là ý thức thực hiện bình đẳng giới chưa ở mức cao trong xã hội, nói chung đối với cả 2 giới.

Bản thân phụ nữ cũng có những quan niệm sai về vai trò bình đẳng của mình trong xã hội. Ngay cả đối với không ít phụ nữ hiện đại, có thu nhập cao, vẫn có tâm lý trông chờ, thụ động, lệ thuộc việc kiến tạo hạnh phúc vào một người đàn ông nào đó. Nhiều cô gái có nhan sắc chỉ chăm chăm tìm cách làm thế nào để có người đàn ông giàu có si mê, cung phụng vật chất… Trong gia đình, theo định kiến có sẵn, các bé gái lớn lên lại tiếp tục được giáo dục về một số đức hy sinh, nhường nhịn…

Nhiều người nói rằng để thực hiện bình đẳng giới phải bắt đầu bằng việc lồng ghép vào giáo dục trong nhà trường. Phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12, trong tổng số 8.276 nhân vật xuất hiện trong nội dung văn bản, nam giới chiếm 69%, nữ 24%, còn lại 7% là trung tính về giới (ví dụ: đứa trẻ, học sinh, phụ huynh…)…

Tất cả các định kiến này tác động đến tâm lý các em trai, từ rất sớm chúng đã tự cho mình có ưu thế trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, và điều này giống như là lẽ tự nhiên. Còn với các em gái, mặc nhiên coi một số việc là bổn phận đàn bà cho tới tận lúc lớn lên, làm vợ và làm mẹ với những định kiến rất lỗi thời.

Thực hiện bình đẳng giới sẽ còn tiếp tục thiếu hiệu quả, phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục thuộc nhóm dễ bị tổn thương, bị sử dụng bạo lực nếu không có sự chuyển biến về nhận thức đồng bộ trong xã hội. Ngay cả về mặt truyền thông, cũng ít người trong xã hội quan tâm đến việc những ngày này đang là Tháng hành động vì bình đẳng giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa bỏ 'bổn phận'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO