Xóa đói, giảm nghèo: Nhanh nhưng phải chắc

Phương Nguyên 09/03/2016 10:18

Trong vòng 2 thập kỷ qua, công tác xóa đói giảm nghèo trên phạm vi cả nước đã đạt những kết quả tích cực. Đã có hàng triệu hộ gia đình thoát nghèo, thậm chí không ít hộ đã vươn lên làm giàu bằng nhiều ngành, nghề. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để chương trình này có sự bền vững thì cần phải có định hướng, chính sách phù hợp, không thể dàn trải, manh mún.

Xóa đói, giảm nghèo: Nhanh nhưng phải chắc

Xóa đói giảm nghèo cần mang tính bền vững.

Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, thông qua các chính sách của chương trình giảm nghèo với các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vốn vay, vốn xã hội hóa, vốn tự huy động từ các thành phần kinh tế, đã có hơn 1 triệu người lao động được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn. Trong đó đối tượng lao động thuộc hộ nghèo chiếm 10,7%; cận nghèo chiếm 5,2%; lao động dân tộc thiểu số chiếm tới 20,5%. Quan trọng hơn, sau khi được đào tạo nghề, đã có trên 40.000 người lao động tự tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng các mô hình kinh tế kỹ thuật, chăn nuôi, phát triển dịch vụ, từ đó vươn lên thoát nghèo và làm giàu tại địa phương.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công tác xóa đói giảm nghèo trên phạm vi cả nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó có phát sinh tình trạng tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhưng độ vững chắc chưa cao, thậm chí tỷ lệ tái nghèo lại có xu hướng tăng. Phân tích tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là tỷ lệ hộ nghèo cần hỗ trợ lớn, trong khi nguồn ngân sách chưa thể đáp ứng được tất cả các chính sách, các vùng, cũng như từng đối tượng thụ hưởng. Từ nguyên nhân này đã dẫn đến tình trạng nguồn vốn đầu tư cho giảm nghèo đã ít lại phải phân bổ dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Nhiều nơi, bà con vùng đồng bào dân tộc được cấp đất nhưng không đủ để mở rộng quy mô sản xuất; hoặc được vay vốn nhưng số vốn quá ít để có thể đầu tư sản xuất hay chăn nuôi theo mô hình thích hợp. Có hộ do chỉ vay được 5-10 triệu đồng vốn giảm nghèo, trong khi để đầu tư mua 1 con bò cũng cần tới 15-20 triệu đồng, nên có khi vay tiền về chưa làm được gì đã tiêu hết.

Từ những bất cập này, có nhiều ý kiến cho rằng, muốn giảm nghèo nhanh, bền vững, hiệu quả, cần có những định hướng chính sách phù hợp, không thể dàn trải, manh mún. Theo đó, cần rà soát, nghiên cứu và giảm bớt các chính sách mang tính trợ cấp cho không, không gắn với điều kiện khuyến khích sự chủ động vươn lên của người nghèo.

Thay vào đó, Nhà nước cần mở rộng các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để các đối tượng thụ hưởng có động lực phát triển. Đặc biệt, trong xây dựng chính sách cần phân định rõ tiêu chí ưu tiên hỗ trợ, để lựa chọn nhóm đối tượng, khu vực trong số các hộ nghèo cần hỗ trợ. Cần tập trung nguồn lực cho các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, đào tạo việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường trạm… để tạo nền tảng vững chắc cho đối tượng là người nghèo, vùng kinh tế khó khăn từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả.

Hiện tại, Chính phủ đang đặt ra mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm trung bình 2%/năm, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo cụ thể của từng giai đoạn. Để đạt các mục tiêu này, dự kiến nguồn vốn từ ngân sách nhà nước sẽ phải chi ra khoảng 20.509 tỷ đồng, tương đương 74,55% tổng số nguồn vốn cần có. Điều đó có nghĩa, Nhà nước sẽ phải huy động và sử dụng nhiều nguồn vốn. Do đó, việc sử dụng những đồng vốn đó phải tính đến hiệu quả, đặc biệt là trong việc xóa nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa đói, giảm nghèo: Nhanh nhưng phải chắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO