Xóa nghèo từ vay vốn tín dụng

Tuấn Anh 27/11/2015 23:21

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nguyên mà hàng trăm ngàn hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Có vốn vay, bà con đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu. 

Những năm trước gia đình chị H’Gái Uông (ở buôn Ja, xã Bông Krang, huyện Lắk, Đắk Lắk) quanh năm suốt tháng bám bíu 2 sào ruộng. Làm lụng vất vả nhưng thóc lúa thu được không đủ no cho 2 vợ chồng và 3 đứa con nhỏ. Gia đình chị nghèo nhất buôn Ja. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị, Hội Nông dân xã Bông Krang đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lắk cho gia đình chị vay 20 triệu đồng.

Chị H’Gái là một trong số hàng trăm ngàn hộ nghèo trên khắp các buôn làng, thôn xóm vùng Tây Nguyên được tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để vươn lên ổn định cuộc sống, làm giàu cho gia đình, xã hội.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nguyên, tính từ năm 2013 đến ngày 31-10-2015, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trong vùng đã đạt hơn 16.500 tỷ đồng, với trên 700.000 hộ còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96% (cả nước là 7,76%).

Chất lượng tín dụng chính sách của vùng đã được cải thiện rõ rệt. Nợ quá hạn là 65 tỷ đồng, chiếm 0,40% trên tổng dư nợ, thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn của toàn hệ thống Ngân hàng CSXH (0,41%).

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 121.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm mới cho trên 34.000 lao động, giúp gần 55.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để học tập, Cùng với đó, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình đồng bào các dân tộc vùng nông thôn xây dựng gần 312.000 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà vệ sinh và trên 6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo… góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên theo chuẩn giai đoạn 2011-2015 giảm từ gần 19% năm 2011 xuống còn hơn 11% vào năm 2014.

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nguyên, Đại tướng Trần Đại Quang- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá cao những đóng góp của Ngân hàng CSXH Việt Nam đối với sự phát triển của Tây Nguyên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục; đồng thời nhấn mạnh để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, thời gian tới Ngân hàng CSXH, các đơn vị trực thuộc các bộ, ban ngành và các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước để mọi người dân biết và tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách của các chương trình. Từ đó, sẽ có nhiều hơn nữa các hộ dân thoát nghèo, cuộc sống tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa nghèo từ vay vốn tín dụng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO