Xóa rào cản doanh nghiệp: Giải bài toán cổ phần hóa

N.Quang 05/09/2016 09:10

Phát biểu kết luận phiên họp thứ 2 của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đã đến lúc nhân dân muốn nhìn thấy kết quả cụ thể. Thủ tướng nhấn mạnh phải kiên quyết cải thiện môi trường đầu tư, xử lý tốt nợ công, giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tái cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải được tiến hành công khai,
minh bạch, được kiểm soát chặt chẽ để tránh thất thoát tài sản công.

Cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Theo chỉ số xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 3 bậc từ vị trí 93 lên vị trí 90/189 nền kinh tế; trong đó chỉ số về khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc từ 125 lên 119. Tuy nhiên, việc cải thiện môi trường đầu tư vẫn cần phải được triển khai một cách quyết liệt. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì “phải có khát vọng” cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản để tạo mọi điều kiện cho DN và người dân đầu tư sản xuất kinh doanh làm ăn, phát triển tạo ra việc làm, tăng trưởng.

Thực tế cho thấy, việc cải cách môi trường đầu tư không dễ vì nó liên quan đến quyền lợi của địa phương, bộ ngành. Ngay như việc công khai thông tin nộp thuế DN, trong đó có DN FDI cũng chưa làm tốt. Điều đó tác động đến sự minh bạch, công bằng trong môi trường đầu tư.

Tới thời điểm này, Chính phủ thêm một lần nữa lưu ý phải tăng tốc giải ngân nguồn vốn đầu tư công 160.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn đầu tư theo kế hoạch năm 2016 được Quốc hội thông qua là 255.000 tỷ đồng, số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đến tháng 5-2016 là 251.450 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả vốn ngân sách, vốn từ trái phiếu chính phủ và vốn ODA. Tuy nhiên, qua hơn 5 tháng đầu năm 2016, cả nước mới chỉ giải ngân được trên 83.000 tỷ đồng, đạt khoảng 1/3 kế hoạch. Đặc biệt, nguồn vốn trái phiếu chính phủ giải ngân chỉ đạt trên 15% kế hoạch. Như vậy, nguồn lực thực tế đi vào xã hội thông qua dòng vốn đầu tư hiếu hiệu quả, cũng phần nào cho thấy môi trường đầu tư vẫn còn những nút nghẽn.

Một trong những nút nghẽn ấy được giới chuyên gia cho là do vướng mắc tại Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng. Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư công thì chương trình, dự án được bố trí trong kế hoạch hàng năm phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn; phải xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để thực hiện. Tuy nhiên, tại Nghị định số 77/2015/NĐ- CP (NĐ 77) của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm lại quy định, thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công hàng năm được kéo dài đến hết ngày 31-12 năm sau (năm kế hoạch). Luật Xây dựng khi đi vào triển khai cũng làm nảy sinh một số vướng mắc khi quy định cụ thể về thẩm quyền, nội dung, hồ sơ, quy trình thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình; cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình.

Kiểm soát chặt chẽ khi tiến hành cổ phần hóa

Từ ngày 1/9, Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13 chính thức có hiệu lực. Pháp lệnh quy định, công chức quản lý thị trường không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký văn bản số 1532/TTg-ĐMDN về việc CPH DNNN 100% vốn nhà nước và DN do các tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có quy mô lớn, có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng. Khi thực hiện CPH nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá DNvà xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá DN.

Các trường hợp cần thiết khác không phân biệt quy mô vốn chủ sở hữu, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước. Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trước ngày 15-9 đề xuất các trường hợp thí điểm thuê các công ty kiểm toán, tư vấn định giá quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam, thực hiện xác định giá trị DN, giá khởi điểm và sử dụng kết quả này thực hiện chào bán cổ phần ra quốc tế.

Đây chính là một giải pháp nhằm minh bạch hóa, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước. Bản chất là không để xảy ra việc lợi dụng CPH để trục lợi chuyển tài sản công thành tài sản riêng. Nói như ông Nguyễn Văn Đực- Hiệp hội Bất động sản thì lâu nay, việc CPH có một cái sai ở ngay tiền đề: đó là việc định giá đất theo quy định của Nhà nước khác xa với giá thị trường. Đây chính là cội nguồn gây thất thoát tài sản lớn cho Nhà nước.

Rút kinh nghiệm từ những gì đã qua, mới đây, trong phiên họp Chính phủ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dã nhấn mạnh, việc bán 12 “ông lớn” trong đó có Vinamilk, Sabeco, FPT…, phải theo thông lệ thị trường, công khai minh bạch, ngăn chặn lợi ích nhóm, đảm bảo lợi ích của đất nước. Theo giới chuyên gia tài chính, nếu bán hết vốn nhà nước tại 10 công ty thuộc SCIC cùng Habeco, Sabeco, Nhà nước có thể thu được tới 7 tỉ USD (khoảng 150.000 tỉ đồng). Con số này khiến người ta nhớ lại việc đấu giá cổ phần Khách sạn Kim Liên tại Hà Nội, con số đưa ra lúc đầu là 122 tỷ đồng; nhưng nhờ cách làm minh bạch chặt chẽ, đã thu được hơn 1.000 tỷ đồng. Một sự chênh lệch rất lớn.

Thực tế, tính lũy kế từ năm 2012 đến tháng 10-2015, cả nước thoái được 16.450 tỷ đồng, thu về 22.870 tỷ đồng (bao gồm cả thoái vốn đầu tư ngoài ngành). Con số này chỉ tương đương 2% tổng giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN trong cùng thời kỳ. Đáng chú ý, do cách làm “nửa vời” nên một số DN CPH thực chất chỉ là chuyển đổi hình thức từ DNNN sang công ty cổ phần: mục tiêu “trả DN về cho DN” và Nhà nước thoái được vốn đã không đạt được như mong đợi.

Ngược dòng thời gian, vào thời điểm đầu năm 2011, theo thống kê, cả nước có 1.309 DN 100% vốn nhà nước. Mục tiêu dề ra là giảm 50% số DN này vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, tiến trình CPH diễn ra chậm chạp. Tiến trình CPH được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ 1992-2000; Giai đoạn hai từ 2001-2007; Giai đoạn ba từ 2008 đến hết 2015. Riêng với giai đoạn 3: từ năm 2008 đến năm 2011, chỉ có 117 DN được CPH. Trong 3 năm 2011 đến hết năm 2013 chỉ CPH được 99 DN. Nguyên nhân lớn nhất lý giải cho sự chậm chạp này là hầu hết các DN có phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tài chính phức tạp.

Nói như giới chuyên gia thì chính do “tình hình tài chính phức tạp” mới càng cần minh bạch, cần được kiểm toán. Một mặt vừa đẩy nhanh tiến trình CPH, đem lại nguồn vốn cho Nhà nước, để DN chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh; mặt khác không để cho tài sản Nhà nước bị thất thoát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa rào cản doanh nghiệp: Giải bài toán cổ phần hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO