Xử lý bệnh nhân và phải xử lý cả chính quyền địa phương, nhân viên y tế khi để dịch lây lan ra cộng đồng

Phan Đức 13/05/2021 15:34

Bệnh nhân Covid-19 số 2899 (chính thức phát hiện vào ngày 27/4/2021) ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã vi phạm cách ly tại nhà gây hậu quả nghiêm trọng, làm số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tăng mạnh và diễn biến phức tạp. Theo giới luật sư, những trường hợp lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Luật sư Khương Tân Phương.

Luật sư Khương Tân Phương - Trưởng Văn phòng Luật sư Thuận Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Theo Điều 8 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm; Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Trong trường hợp Bệnh nhân Covid-19 nếu không tuân thủ biện pháp cách ly mà làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì cá nhân, tổ chức sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế thì: người nào thực hiện che giấu hiện trạng truyền nhiễm nhóm A của bản thân hoặc người khác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài bị xử phạt hành chính, nếu hành vi làm lây lan dịch bệnh cho người khác ở mức độ phải chịu trách nhiệm hình sự thì người làm lây lan dịch bệnh còn có thể bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù 1 năm đến cao nhất là 12 năm tù giam.

Với trường hợp bệnh nhân 2899, theo LS Phương: Sau khi từ nơi cách ly tập trung trở về không khai báo y tế, cách ly y tế tại nhà mà lại tụ tập ăn nhậu, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 và hướng dẫn tại Công văn số 45/HĐTP ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19: “Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”, bao gồm:

a) Trốn khỏi nơi cách ly.

b) Không tuân thủ quy định về cách ly.

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly.

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối’’.

Trong trường hợp này, LS Phương cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của bệnh nhân 2899; đồng thời điều tra trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhân viên y tế trong việc chỉ đạo, giám sát.

LS Nguyễn Đức Hùng.

Đồng quan điểm, LS Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng bệnh nhân 2899 cần phải bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn đối với các cá nhân liên quan có thể sẽ bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật. Trong trường hợp các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ hành vi gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”

LS Hùng cũng cho rằng, qua các đợt dịch trong hơn một năm qua, nước ta đã thực hiện rất tốt việc phòng chống, đối phó lại với dịch bệnh. Tuy nhiên đợt dịch này đang diễn ra hết sức phức tạp. Chúng ta đã chủ quan và có sự lơ là trong khâu quản lý, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ các nước lân cận qua đường biên giới, đồng thời cũng là sự chủ quan, lơ là của chính người dân mà đã bỏ qua các quy định an toàn mà pháp luật, nhà nước đề ra. Vì thế cần gắn trách nhiệm cho các cơ quan chính quyền, cơ quan phòng chống dịch bệnh tại địa phương khi để xảy ra sự lây lan dịch bệnh trong phạm vi mình quản lý.

“Theo quy định tại Điều 10 Luật Cán bộ công chức năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2019, những người đứng đầu tại các địa phương là người có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo chung với các công việc trong địa phương mình quản lý, và việc phòng chống dịch bệnh chính là ưu tiên hàng đầu hiện nay” - LS Hùng lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý bệnh nhân và phải xử lý cả chính quyền địa phương, nhân viên y tế khi để dịch lây lan ra cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO