Xử lý dự án thua lỗ

Việt Thắng (thực hiện) 17/07/2017 08:35

Đến nay việc xử lý 12 dự án yếu kém thua lỗ của ngành Công thương vẫn còn lúng túng, trong đó vướng mắc nhất là cơ chế tài chính. Xử lý 12 dự án trên thế nào? Trao đổi với Đại Đoàn Kết, TS Đỗ Văn Sinh- Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Trong từng dự án sẽ phải có những phương án cụ thể. Còn nếu trong trường hợp cho phá sản, thì nguyên tắc tối ưu đầu tiên là làm sao càng thu lại được nhiều tài sản càng tốt.

TS Đỗ Văn Sinh.

PV: Thưa ông, ông nghĩ sao khi hiện nay chúng ta vẫn còn lúng túng trong hướng xử lý đối với 12 dự án tại Bộ Công thương?

TS Đỗ Văn Sinh: Không thể chậm hơn được nữa. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, dứt khoát đến năm 2018 phải xong hết. Tức là hết năm 2017 tất cả các phương án đã phải xong rồi và 2018 phải xử lý xong. Hiện đã có 3 phương án để xử lý. Một là, có thể cho khởi động trở lại nếu tốt, phương án 2 là cho khởi động trở lại mà không tốt thì có thể cho chuyển nhượng, phương án 3 là nếu không tốt thì có thể cho phá sản. Nguyên tắc nữa là Nhà nước sẽ không đầu tư vốn vào các dự án đó nữa. Đó là sự kiên quyết của Chính phủ vì 12 dự án trên đều là dự án lớn, tiền cũng rất là lớn, nhưng nó còn liên quan đến hệ thống pháp luật. Ví dụ như muốn bán phải tìm được đối tác, hay phá sản cũng phải theo trình tự, vấn đề nữa là liên quan đến lực lượng lao động tại 12 dự án đó. Phải sắp xếp làm sao để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Ngay cả việc đưa phương án cho phá sản nhưng cũng khó có thể thu hồi hết được tài sản, thưa ông?

- Rõ ràng ở đây có một câu chuyện, tức là dự án dở dang không thể có phương án thuyết phục được nữa thì phải cho nó phá sản. Mà phá sản, nguyên tắc tối ưu đầu tiên là làm sao càng thu lại được nhiều tài sản càng tốt.

Nếu phá sản vậy chúng ta bố trí lao động thế nào, vì ở đây còn liên quan đến vấn đề xã hội chứ không phải chỉ có kinh tế, thưa ông?

- Tôi nghĩ trong từng dự án sẽ phải có những phương án cụ thể. Không phải một hình thức mà áp dụng cho 12 dự án. Rõ ràng ở đây có vấn đề về kinh tế cũng như xã hội. Đã thỏa thuận với người lao động, bây giờ nếu anh dừng thì cũng phải thực hiện quyền lợi của người lao động. Chứ không thể lúc trước tuyển người ta bây giờ lại cho người ta nghỉ một cách vô điều kiện được. Phải tuân theo đúng quy định pháp luật.

Trong phá sản thì vấn đề định giá tài sản là cái mà chúng ta đang vướng và làm chậm mọi quá trình, vậy phải giải quyết vấn đề này thế nào?

- Vừa rồi Quốc hội đã thông qua Luật Đấu giá tài sản và Chính phủ vừa ban hành Nghị định về định giá tài sản. Đây là tài sản công nên anh phải theo các bước cách thức tiến hành của đấu giá tài sản công. Tôi nghĩ hành lang pháp lý như vậy đã đầy đủ rồi.

Không sử dụng ngân sách để xử lý nhưng nếu thế có thúc đẩy được không? Như cổ phần hóa DNNN, phải cứu để phục hồi trở về đúng giá trị sau đó mới bán thì mới đem lại giá trị cao. Vậy đối với 12 dự án này thì sao khi không có vốn để khôi phục lại, thưa ông?

- Chúng ta phải xuất phát từ nguyên tắc, Chính phủ đã quyết tâm không sử dụng tiền ngân sách nhà nước để đổ vào các dự án đó nữa. Từ nguyên tắc đó Chính phủ đã đưa ra 3 phương án, một là dự án có thể hoạt động bằng nội lực hiện có, khởi động lại được thì khởi động. Hai là khởi động lại được nhưng không thể tiếp tục duy trì mà vẫn lỗ thì phải chuyển cho nhà đầu tư khác. Ba là không thể khởi động được rõ ràng phải có cách là cho phá sản. Nếu chúng ta vẫn đổ ngân sách vào thì không có 3 phương án nêu trên.

Nhưng muốn chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, chúng ta cần cơ chế thông thoáng mới thu hút được nhà đầu tư vào?

- Theo tôi biết thời gian qua Bộ Công thương đã xây dựng từng kịch bản cho từng dự án. Rõ ràng từng dự án ấy sẽ có phương án cụ thể từ đầu tư ra sao, tiếp tục vận hành như thế nào, bán và cho phá sản như thế nào? Người ta phải căn cứ theo nguyên tắc đã đặt ra. Cho nên phải có lộ trình cho từng dự án một chứ không phải gom tất cả các dự án vào cùng một phương pháp.

Trong bối cảnh đầu tư công đang siết chặt như hiện nay thì theo ông hướng xử lý sẽ được lưu ý như thế nào?

- Tổng đầu tư nguồn vốn của 12 dự án tính đến thời điểm cuối cùng vừa rồi mức đầu tư là 63 nghìn tỷ, trong đó vốn vay khoảng 70%. Giả định trong trường hợp Chính phủ bảo lãnh thì nó nằm trong nợ công, khi phá sản, toàn bộ phần nợ có bảo lãnh các doanh nghiệp không trả nợ được thì Chính phủ phải trả thay và nợ công sẽ tăng lên.

Nếu vậy chúng ta có giải pháp nào kêu gọi xã hội hóa, có cơ chế nào để chung tay xử lý, thưa ông?

- Chủ trương chung từ nay đến năm 2020 thì chúng ta phải cổ phần hóa 137 DNNN, chỉ giữ lại 103 doanh nghiệp thôi. Trong năm 2017 Chính phủ quyết tâm cổ phần hóa 47 doanh nghiệp. Không biết các dự án này có nằm trong diện giữ lại hay không? Nhưng tôi nghĩ các dự án này không quan trọng đến mức Nhà nước phải giữ lại. Phải nằm trong lộ trình cổ phần hóa, nếu cổ phần hóa thì rõ ràng phải xã hội hóa rồi mới cổ phần hóa được. Bây giờ quá khó nên dẫn đến Chính phủ vừa rồi cũng rất quyết liệt nhưng vẫn đang trên phương án. Hiện 1 số dự án đã bắt đầu vận hành trở lại và có triển vọng rồi, còn lại là theo các phương án như tôi nói ở trên.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý dự án thua lỗ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO