Xử lý nợ xấu: Gia hạn hay luật hóa?

T.Hằng 15/07/2022 08:20

Giá cả tăng, lạm phát tăng, rủi ro tài chính, an ninh năng lượng… đang tác động rất lớn đến nợ xấu. Theo các chuyên gia, nếu không luật hóa Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn hơn nữa trong xử lý nợ xấu.

Cần sớm có giải pháp để giải quyết nợ xấu.

Theo ông Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp Ngân hàng BIDV, hiện nợ xấu đang ở mức khoảng 1,4% nhưng Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ do ảnh hưởng dịch Covid -19 hết hạn tại thời điểm tháng 6, nếu không được gia hạn sẽ đẩy nợ xấu tăng lên. Nhóm nghiên cứu của TS Cấn Văn Lực dự báo nợ xấu năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng xử lý được 380.200 tỷ đồng. Chính vì vậy, cần phải có một khung pháp lý tránh tình trạng cộng dồn tích tụ tạo nên những nguy cơ, những điểm tắc nghẽn cho kinh tế quốc gia.

Trong quá trình xử lý nợ xấu, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã phát huy tác dụng tốt. Nếu không có dịch Covid-19, việc đưa nợ xấu gộp xuống dưới 3% đã hoàn thành vào cuối năm 2020. Theo lộ trình, tháng 8 này Nghị quyết 42 hết hiệu lực. Nhiều chuyên gia cho rằng bối cảnh kinh tế bất định với các yếu tố như giá cả tăng, lạm phát tăng, rủi ro tài chính, an ninh năng lượng… đang tác động rất lớn đến nợ xấu. Vì vậy cần luật hóa Nghị quyết 42 để tạo ra khung pháp lý đủ mạnh nhằm xử lý nợ xấu.

Qua quá trình thực thi Nghị quyết 42, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) cho rằng một trong những điểm khác biệt so với hệ thống pháp luật hiện hành về xử lý nợ xấu chính là đề cao quyền xử lý nợ xấu; Bảo vệ quyền chủ nợ của các TCTD trong quá trình hoàn thiện khung khổ pháp lý và giải quyết các bất cập về thực thi trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, không thể kéo dài việc thí điểm Nghị quyết 42, mà cần phải luật hóa. Không phải Nghị định hay một văn bản dưới luật mà phải luật hóa thành một khung pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất và được thông qua bởi một trình tự thủ tục chặt chẽ nhất, bảo vệ tốt nhất quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên.

Ông Hiếu cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên rà soát ở một phạm vi rộng nhất có thể, trong nguồn lực và thời hạn liên quan trực tiếp đến vấn đề xử lý nợ xấu và các tài sản có liên quan đến nợ xấu. Khi rà soát, cần phân biệt rất rõ đâu là vướng mắc pháp lý từ luật và đâu là do khâu tổ chức thực thi, do các cơ quan có liên quan có thể chưa nhiệt tình, chưa tích cực, chưa chủ động.

Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng trước hết cần gia hạn Nghị quyết 42 đến 31/12/2023. Như vậy từ nay đến trước thời điểm đó, phải chuẩn bị các bước để luật hóa xử lý nợ xấu, không tạo ra khoảng trống pháp lý và từng bước xử lý các vướng mắc. Tiếp đó, cần hình thành bộ luật riêng về xử lý nợ xấu hoặc có một chương trong Luật Các TCTD sửa đổi.

Theo ông Lực, Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả rất tốt trong thời gian vừa qua. Nhờ thế mà nợ xấu giảm rõ rệt. Nếu không phải vì dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 và 2021 thì sứ mệnh đưa nợ xấu gộp xuống dưới 3% đã hoàn thành cuối năm 2020.

Tuy nhiên còn một số vướng mắc trong xử lý nợ xấu bộc lộ trong thời gian thực hiện Nghị quyết 42 cần phải xử lý trong thời gian được gia hạn. Sau đó, khi luật hóa xử lý nợ xấu thì phải lưu ý các vướng mắc đó để không lặp lại. Nợ xấu là vấn đề liên tục, các ngân hàng nước ngoài thường chấp nhận tỉ lệ rủi ro nợ xấu khoảng 2-3%. Như vậy, phải có một khung pháp lý cho nó chứ không để cho nó cộng dồn, tích tụ tạo nên những nguy cơ, những điểm tắc nghẽn cho kinh tế quốc gia.

Cuối cùng, ông Lực cho rằng luật hóa Nghị quyết 42 là để góp phần hoàn thiện thể chế, tăng tính hiệu lực, hiệu quả cho pháp luật. Vì hiện nay với nhiều lý do, quy mô nợ xấu tuyệt đối đã thay đổi rất lớn.

Trong khi đó, một số TCTD bày tỏ lạc quan về triển vọng kinh tế vĩ mô, chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Đối với khách hàng cá nhân, trong 6 tháng đầu năm 2022, các điều kiện và điều khoản cho vay được nới lỏng hơn đối với cho vay tiêu dùng, mua nhà ở, trong khi thắt chặt đối với sử dụng thẻ tín dụng và các TCTD dự kiến tiếp tục xu hướng này trong 6 tháng cuối năm 2022.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một số kết quả của cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2022, các TCTD có xu hướng nới lỏng hơn tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng cá nhân và các lĩnh vực ưu tiên; giảm mạnh xu hướng thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh du lịch; về cơ bản giữ nguyên tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp. Trong khi đó lại có xu hướng thắt chặt nhẹ đối với các lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản, kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

6 tháng cuối năm 2022, các TCTD dự kiến giữ nguyên hoặc có xu hướng nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình, dự kiến áp dụng đối với tất cả các nhóm khách hàng. Trong đó, tập trung nới lỏng hơn đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Đồng thời dự kiến giảm bớt thắt chặt đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, cho vay đầu tư, kinh doanh du lịch so với 6 tháng đầu năm 2022. Trong khi vẫn giữ nguyên xu hướng thắt chặt đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý nợ xấu: Gia hạn hay luật hóa?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO