Xử nghiêm người thi hành công vụ gây oan, sai

Lê Anh Đức 06/09/2016 09:35

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 1681/QĐ-TTg, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.

Theo đó, khi đã xác định oan, sai, các cơ quan tố tụng phải kịp thời xin lỗi, bồi thường và xử lý nghiêm người gây oan, sai cùng trách nhiệm liên đới của người đứng đầu.

Kịp thời minh oan cho người vô tội

Tại Quyết định 1681, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tố tụng cần nâng cao năng lực phát hiện, điều tra, khám phá kịp thời các loại tội phạm, đồng thời tăng cường công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can phải đảm bảo chặt chẽ, thận trọng, đúng thủ tục pháp luật và có căn cứ, nhằm tránh làm oan người vô tội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các cơ quan tố tụng đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong Nghị quyết 96 của Quốc hội. Muốn vậy, mỗi cá nhân cán bộ điều tra, truy tố, xét xử... cần phải chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan, sai. “Khi xác định đã có oan, sai phải kịp thời minh oan cho người bị oan, bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định pháp luật” - Thủ tướng chỉ đạo.

Chủ động, tích cực điều tra, khám phá kịp thời các loại tội phạm. Song, không vì thế mà nôn nóng lập công, giảm tối đa các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó phải chuyển sang xử lý hành chính, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm.

Một trong những yếu tố giúp giảm án oan, sai mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan tố tụng cần thực hiện là tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia các vụ án theo quy định của pháp luật. “Xử lý nghiêm minh đối với người thi hành công vụ sai phạm và trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây ra oan, sai, để xảy ra bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, kịp thời minh oan và phối hợp giải quyết bồi thường cho người bị oan đã có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật” - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Đâu là giải pháp?

Theo Quyết định 1681 của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan tố tụng phải thực hiện có hiệu quả việc phân loại, xử lý vụ án; chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án không đúng pháp luật để tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đơn kêu oan, đơn tố cáo bức cung, dùng nhục hình.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao chất lượng công tác điều tra, giám định pháp y, giám định tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả...; sớm hoàn thiện, ban hành quy trình, quy chuẩn giám định trong các lĩnh vực này, tạo cơ sở tin cậy cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng xem xét, quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một giải pháp xem ra cũng không kém phần quan trọng trong việc ngăn ngừa các cán bộ điều tra, truy tố, xét xử làm bừa, làm ẩu là việc hoàn thiện quy định của pháp luật về xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại, xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây ra oan, sai, để xảy ra bức cung, dùng nhục hình.

Đồng thời, quá trình điều tra, lập hồ sơ vụ án phải tuân thủ các quy định của pháp luật; phát hiện, thu thập, củng cố, bảo quản và đánh giá chứng cứ buộc tội cũng như chứng cứ gỡ tội đầy đủ, khách quan, toàn diện, nhằm xác định sự thật vụ án.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử nghiêm người thi hành công vụ gây oan, sai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO