Xử thật nghiêm để tránh 'nhờn' luật

H.Vũ (thực hiện) 12/04/2020 08:00

Tự ý trốn cách ly, khai báo y tế không trung thực, không đeo khẩu trang nơi công cộng là những hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Những hành vi trên không chỉ là mối nguy hại đối với cộng đồng mà còn gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch. Pháp luật Việt Nam không thiếu những quy định để xử lý những hành vi vi phạm song trên thực tế việc xử lý vẫn còn nương nhẹ.

Trao đổi với PV ĐĐK, ông Nguyễn Bá Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xử phạt thật nghiêm, tránh việc “nhờn” luật.

Xử thật nghiêm để tránh 'nhờn' luật

Ông Nguyễn Bá Sơn.

PV:Cá nhân ông đánh giá như thế nào về những vụ vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Bá Sơn: Dư luận xã hội và đại đa số người dân đều nhận thức rằng dịch Covid-19 là cơn đại dịch rất nguy hiểm. Thế nhưng vẫn còn một số người dân chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm của nó như thế nào. Cho nên mới có hiện tượng trốn cách ly, khai báo y tế không trung thực, thậm chí đã đưa vào khu cách ly nhưng vẫn còn những hành vi, động thái làm cho dư luận xã hội cảm thấy bức xúc. Có lẽ chúng ta sống trong khung cảnh bình yên quá lâu, chưa đối diện với giai đoạn khó khăn nên có một lớp người, nhất là thế hệ trẻ không hình dung sự được nguy hiểm của nó thế nào.

Tôi xin nhấn mạnh rằng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước có 3 thứ được đặt lên hàng đầu. Đó là: chiến tranh, thiên tai, và dịch bệnh. 3 thứ đó được xếp ngang hàng nhau. Nếu nó xảy ra, những mối nguy hiểm, nguy cơ lớn nhất luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy buộc chính quyền, Nhà nước và xã hội phải áp dụng một hệ thống các giải pháp mạnh. Quan trọng là bảo vệ người dân, bảo vệ cộng đồng chứ không phải vì cá nhân người nào cả.

Từ thực tế thực hiện Nghị định 100 trong xử phạt hành vi uống rượu bia khi tham gia giao thông, ông có nghĩ trong vấn đề chống dịch Covid-19 chúng ta cũng cần cương quyết và thực hiện mạnh mẽ như vậy để đảm bảo sức răn đe?

- Để đảm bảo cho quá trình phát triển của một xã hội, một đất nước ổn định và bền vững, việc áp đặt các biện pháp cưỡng bức để tạo ra nề nếp trong đời sống xã hội, từng bước trở thành tập quán và văn hóa thì pháp luật là “bà đỡ” cho tất cả các mục tiêu đặt ra. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, nếu ai đi ngược lại lợi ích của xã hội, để lại những hệ lụy nguy hiểm, chúng ta phải áp đặt các biện pháp mạnh mẽ hơn.

Xử thật nghiêm để tránh 'nhờn' luật - 1

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, vì cộng đồng mỗi người dân phải thực hiện đúng quy định.

Pháp luật chính là bệ đỡ để thực hiện lối sống văn hóa. Lâu nay người dân không chấp hành theo các quy định của pháp luật, cái đơn giản nhất thường thấy là văn hóa giao thông. Vậy phải chăng người dân đã “nhờn” luật, và cơ quan chức năng không mạnh mẽ trong xử lý khiến hành vi đó trở thành một thói quen văn hóa xấu?

- Pháp luật là công cụ để điều hành, và người điều hành là Nhà nước bằng hệ thống các cơ quan công quyền và hệ thống cán bộ thực thi. Song những con người đó ở từng vị trí cụ thể đã thực hiện đúng yêu cầu pháp luật đề ra để điều hành xã hội hay chưa? Đó là câu chuyện nan giải. Nhiều người nói rằng, pháp luật của ta không nghiêm nhưng thực ra không phải pháp luật không nghiêm mà người thực thi không nghiêm, chúng ta không thiếu những quy định. Pháp luật nghiêm hay không nghiêm do người thực thi chứ không phải bản thân nó. Và khi người thực thi công vụ sử dụng pháp luật không nghiêm sẽ dẫn đến việc người phải chấp hành pháp luật cũng không nghiêm. Lâu ngày những cách ứng xử như vậy dẫn đến trạng thái gây nguy hiểm cho xã hội, tức là “nhờn” luật, dẫn đến tạo ra những trào lưu đi ngược lại những quy tắc mà Nhà nước đặt ra để đảm bảo cho sự bền vững và phát triển. Có một vị lãnh đạo đã từng nói rằng, tội phạm phát triển là do cơ quan bảo vệ pháp luật không nghiêm, nếu cơ quan bảo vệ pháp luật làm mạnh, nghiêm túc chắc chắn tội phạm sẽ giảm đi. Khi pháp luật là công cụ thì người sử dụng công cụ phải là người đạt được những yêu cầu mà pháp luật đặt ra đó chính là sự nghiêm minh. Đây là vấn đề cần nghiêm túc thực hiện.

Thưa ông, khi đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật thì chúng ta mới không còn những trường hợp trốn cách ly, hay không trung thực trong khai báo y tế? Và sâu xa hơn nữa là đi ngược lại lợi ích của dân tộc, quốc gia?

- Đúng vậy. Khi người dân “vượt” ra khỏi khu cách ly, họ nghĩ rằng hành vi, cách ứng xử của họ chả ảnh hưởng gì đến ai, muốn làm gì thì làm. Nó không được đặt trong hoàn cảnh nếu anh vượt ra khỏi phạm vi giới hạn khu vực cách ly thì những hành động của anh sẽ tác động tiêu cực, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người khác, không chỉ một số người mà còn có thể là số đông. Chính vì vậy, chúng ta phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật bằng việc phải xử lý thật nghiêm.

Trân trọng cảm ơn ông!

* Cần quy định cụ thể để người dân hiểu và chấp hành cho đúng

Luật sư Nguyễn Hữu Danh, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Hiện các hành vi vi phạm đang được xử phạt theo Nghị định 176 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong lúc đang diễn ra dịch bệnh, vì cộng đồng, mỗi người dân phải chấp hành tốt nhất các quy định, không thể chống đối, hoặc đặt tự do cá nhân lên trên, muốn làm gì thì làm. “Thực ra mức xử phạt hiện nay đối với các hành vi vi phạm là khá cao chứ không phải là nhẹ, vấn đề là người dân chưa có ý thức chấp hành. Cho nên những hành vi không chấp hành cần phải được xử lý nghiêm”-ông Danh cho hay.

Bên cạnh các hành vi chống đối cần xử phạt nghiêm, ông Danh cũng cho rằng cần có những quy định rõ ràng cụ thể, tránh chung chung, đảm bảo điều kiện để cho người dân chấp hành. Ví dụ như Văn phòng công chứng được phép hoạt động nhưng muốn đảm bảo điều kiện hoạt động thì mỗi người phải cách nhau 2m, và làm việc không quá 2 người. Trong công chứng, chứng nhận hợp đồng mua bán thì bên mua có 2 người, bên bán 2 người, rồi công chứng viên với thư ký là 6 người. Như vậy nếu theo quy định là không được phép hoạt động. Hay vừa qua dư luận xã hội và báo chí phản ánh về việc những người làm xe ôm, lao động tự do, shipper ngồi một mình ở công viên, kéo khẩu trang xuống để ăn cơm cũng bị phạt. Như vậy là tội cho người dân. Do đó, bên cạnh việc xử phạt hành vi chống đối rõ ràng thì cũng cần quy định cụ thể để người dân hiểu và chấp hành cho đúng.

* Xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, tại Công văn ngày 6/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, nhất là: các hành vi vi phạm không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; đưa tin sai không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội; tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng; sản xuất hàng giả, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, gian lận thương mại, gây bất ổn thị trường; nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự. Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành điều tra, xem xét, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử thật nghiêm để tránh 'nhờn' luật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO