Xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG: Cơ quan điều tra không bưng bít thông tin

Tinh Anh 24/12/2019 07:00

Ngày 23/12, phiên tòa xử vụ án MobiFone mua cổ phần AVG tiếp tục với phần tranh luận. Đối đáp với các luật sư, công tố viên cho rằng, việc CQĐT thu thập chứng cứ là bức thư Nguyễn Bắc Son gửi cho gia đình yêu cầu con gái trả lại 3 triệu USD để khắc phục hậu quả là hoàn toàn đúng pháp luật. Con gái bị cáo Son cũng đã được xem nội dung thư, nhưng không chịu nộp tiền khắc phục.

Xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG: Cơ quan điều tra không bưng bít thông tin

Phiên tòa xử vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG.

Chủ động hủy việc mua bán

Sáng 23/12, trong khi các luật sư bào chữa cho Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch Công ty CP nghe nhìn toàn cầu - AVG) thì bản thân bị cáo có đơn xin vắng mặt với lý do sức khỏe. Trước cáo buộc của cơ quan công tố đối với Phạm Nhật Vũ về hành vi đưa hối lộ (bị cáo Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải 500.000 USD), các luật sư cho rằng, mặc dù thân chủ của họ đã nhận tội nhưng đề nghị HĐXX cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình đối với bị cáo Vũ. Đơn cử như việc Phạm Nhật Vũ không hứa hẹn lợi ích vật chất với các bị cáo nhận hối lộ khi chưa ký kết hợp đồng mua cổ phần của AVG. Khi có dư luận xấu về việc mua bán AVG, Phạm Nhật Vũ đã chủ động gom tiền của gia đình, đi vay... để hủy hợp đồng bán cổ phần AVG với đơn vị mua là MobiFone.

Luật sư Trần Hoàng Anh nhấn mạnh: “Ngay khi có dư luận về việc giá mua bán AVG cao, làm thất thoát tài sản nhà nước, mặc dù chưa khởi tố vụ án, chưa bị xác định là có sai phạm hay không, chưa có yêu cầu khắc phục gì, song bị cáo Phạm Nhật Vũ đã cùng gia đình lo liệu tiền, chủ động xin hủy hợp đồng chuyển nhượng, trả lại toàn bộ số tiền bán cổ phần. Thậm chí, để đảm bảo Nhà nước không bị thiệt hại, bị cáo Phạm Nhật Vũ còn tự nguyện trả thêm tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và các chi phí phát sinh khác mà MobiFone đã chi cho việc mua cổ phần AVG, với số tiền hơn 329 tỷ đồng...”. Đồng bào chữa cho Phạm Nhật Vũ, Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga kể thêm: “Khi biết trong kho của MobiFone còn thiết bị, vật tư tồn kho (MobiFone đầu tư mua sắm sau khi nhận chuyển nhượng - PV) với tổng số tiền khoảng 120 tỷ đồng, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã chủ động mua lại số thiết bị, vật tư này của MobiFone, đảm bảo không để xảy ra thiệt hại cho Nhà nước, nâng tổng số tiền bị cáo Vũ tự nguyện thanh toán thêm lên gần 450 tỷ đồng...”.

Để giúp thân chủ được hưởng tối đa các tình tiết giảm nhẹ, các luật sự cũng đưa ra nhiều nội dung thể hiện bị cáo Vũ đã tích cực hợp tác với CQĐT, cung cấp đầy đủ giấy tờ tài liệu, khai báo thành khẩn giúp sớm làm sáng tỏ nội dung vụ án. Về nhân thân, bị cáo Vũ là người tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, đóng góp hơn 1.300 tỷ đồng để thực hiện các chương trình an sinh xã hội từ y tế, giáo dục cho tới hạ tầng điện - đường - trường - trạm, trợ giúp khắc phục hậu quả thiên tai, xóa đói giảm nghèo, giúp hàng nghìn em bé không may được chữa bệnh... (có giấy tờ xác nhận). Sau khi bị cáo Vũ bị bắt tạm giam, hơn 1.700 cá nhân và hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho bị cáo Vũ,...

Bộ trưởng không cho “soi” giá AVG

Cả luật sư và cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ TT-TT) Phạm Đình Trọng đều khẳng định: Tất cả công việc thực hiện liên quan đến dự án MobiFone mua cổ phần của AVG đều theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, điều này thể hiện qua hồ sơ vụ án và chính lời khai của cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tại tòa. Bào chữa cho bị cáo Trọng, luật sư cho rằng, do các văn bản của MobiFone trình lên đã bị làm sai lệch nên bản thân bị cáo cũng không nắm sát vấn đề. Luật sư khẳng định, chính bị cáo Trọng đã tỏ rõ sự băn khoăn về việc mua bán này nên đã nhiều lần có ý kiến nhưng lãnh đạo Bộ TT-TT lúc đó phớt lờ. “Có tới 4 lần bị cáo Trọng đề xuất xem xét giá mua AVG cũng như hiệu quả dự án nhưng đều bị ông Nguyễn Bắc Son gạch bỏ...” - luật sư chứng minh.

Chính bị cáo Nguyễn Bắc Son cũng đã khai tại tòa: MobiFone phải đương nhiên chịu trách nhiệm về giá nên khi bị cáo Trọng thắc mắc đề nghị xem xét thì bị cáo Son đã gạch bỏ vì cho là không cần ghi chi tiết vào văn bản. Thậm chí, ngay cả khi Văn phòng Chính phủ có công văn 2678 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc chấp nhận chủ trương đầu tư nhưng bị cáo Trọng vẫn đề xuất xin ý kiến của Bộ Tài chính. Từ các phân tích trên, luật sư đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, cho hưởng chính sách hình sự đặc biệt và không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội... Trước đó, trong phần tự bào chữa, bị cáo Phạm Đình Trọng cũng khẳng định đã nhiều lần kiến nghị xem lại giá mua nhưng bị cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son gạt đi.

Không phải thư tình

Đối đáp với các luật sư bào chữa cho cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son về vấn đề lá thư bị cáo Son gửi cho vợ không được chuyển, công tố viên khẳng định: Do bức thư có liên quan đến vụ án nên việc CQĐT thu thập vào hồ sơ vụ án là hoàn toàn đúng các quy định của pháp luật. Để chứng minh, đại diện VKS giữ quyền công tố đã công bố nội dung bức thư là việc cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhắn vợ nói với con gái mang 3 triệu USD cầm hộ bị cáo đến nộp khắc phục hậu quả. “Một số luật sư cho rằng quá trình điều tra, cơ quan công an có hiện tượng bưng bít thông tin vì bức thư của bị cáo Nguyễn Bắc Son không được gửi về cho vợ mà cho vào hồ sơ vụ án, dẫn đến việc gây khó khăn trong khắc phục hậu quả. VKS cho rằng bức thư bị cáo Son gửi vợ không phải thư tình, mà là tình tiết của vụ án nên được thu thập đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định của pháp luật...” – công tố viên đối đáp.

Cũng theo cơ quan công tố, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son có ý thức khắc phục hậu quả của vụ án nhưng gia đình không hợp tác. Đại diện VKS giữ quyền công tố nêu ví dụ, ngày 14/3/2019, bị cáo Son viết bản tự khai nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ, sau đó gửi thư cho vợ là bà Lê Thị Lý với nội dung: “Anh đã khai báo với cơ quan điều tra Bộ Công an, sau khi mua bán dự án hoàn tất, Phạm Nhật Vũ đã mang cho anh 3 triệu USD. Số tiền này anh đã gửi cho Huyền (con gái bị cáo Son - PV) mang vào TP.HCM giữ cho anh, anh không nói nguồn gốc số tiền trên. Em nói với Huyền thu xếp nộp lại cho Nhà nước...”. Đến ngày 20/3/2019, CQĐT đã mời bà Nguyễn Thị Thu Huyền tới làm việc, thông báo nội dung lá thư. Tại bản đối chất giữa bị cáo Son và con gái, có sự tham gia của VKS, bà Huyền thừa nhận đã được đọc bức thư này. “Tuy nhiên, thời điểm đó gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn không nộp tiền khắc phục theo nguyện vọng của bị cáo...” – công tố viên khẳng định.

Quá trình điều tra, bị cáo Son tiếp tục trình bày ý muốn được khắc phục hậu quả, tiếp tục đề nghị được gặp gia đình để thông báo cho vợ và con trai sớm khắc phục hậu quả cho bản thân. “Điều tra viên đã cho bị cáo Son gặp vợ và con trai để nói với gia đình khắc phục hậu quả nhưng bà Lý có ý kiến là gia đình không có tiền. VKS cho rằng việc bị cáo Son không nộp lại số tiền 3 triệu USD là do gia đình không hợp tác như cáo trạng nêu là hoàn toàn chính xác. Ý kiến của luật sư cho rằng CQĐT bưng bít thông tin là không chính xác, gây ra sự hiểu lầm về tính đúng đắn của hoạt động điều tra, gây bất lợi cho chính bị cáo...” – đại diện VKS nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG: Cơ quan điều tra không bưng bít thông tin

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO