Xuân này hoa vẫn nở

Nguyên Khánh 07/02/2021 13:00

Tới thời điểm này, các loại hoa, cây cảnh chơi Tết đã theo chân người về phố, làm đẹp cho mỗi gia đình vào dịp Tết đến, Xuân về. Covid-19 đột ngột quay trở lại đã ảnh hưởng lớn đến người trồng hoa, người mua bán hoa. Nhưng dẫu thế thì Xuân về hoa vẫn nở.            

Làng hoaTây Tựu.

Tất bật những ngày cuối năm

Thời điểm này, dạo quanh những làng nghề trồng hoa, quả trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động hăng say, khẩn trương của người nông dân đang tất bật vào vụ Tết.

Tại làng quất Tứ Liên (quận Tây Hồ), mỗi nhà vườn tại đây đều có diện tích khoảng 1.000 m2, số lượng những gốc quất vào khoảng vài trăm đến cả nghìn.Theo tìm hiểu, các nhà vườn tại làng quất Tứ Liên hầu hết bán tại vườn, số ít đổ buôn cho các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, thị trường hiện nay cạnh tranh khá gắt gao do quất còn đổ từ nhiều nguồn khác như Đông Anh, Hưng Yên... Đặc biệt, dịch bệnh ập xuống, người dân chỉ ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu, cây cảnh, hoa lá ngày Tết cũng sẽ tính toán để mua chơi Tết, tuy nhiên, giá cả của nó cũng không quá giảm so với các vụ Tết trước đây.

Theo chia sẻ của một số chủ vườn, dù dịch bệnh diễn ra vào dịp cận Tết nhưng giá quất năm nay không biến động nhiều. Cụ thể, quất dáng thông cao từ 1m6 đến 1m7 dao động quanh mức 3 triệu một cây. Giá buôn dao động quanh ngưỡng 700.000 đồng với quất đặt tại bình cao tầm 50cm. Quất đặt trong chậu nhỏ để bàn giá dưới 500.000 đồng.

Quất bonsai thì giá vô cùng đa dạng, tùy thuộc kích cỡ và loại bình. Đặc biệt năm nay còn có sản phẩm “trâu vàng cõng quất bonsai” vô cùng thu hút người mua. Giá thành cho một “chú trâu” rơi vào ít nhất 1 triệu đồng. Để làm được những sản phẩm này cần rất nhiều kinh nghiệm cho nên số lượng không nhiều. Hầu như hàng làm ra đều đã được đặt trước.

Cũng giống quất Tứ Liên, thời điểm này, nhiều vườn đào truyền thống tại Nhật Tân (Tây Hồ), La Cả (Hà Đông) cũng tấp nập, nhộn nhịp cảnh người mua, người bán. Tại làng đào Nhật Tân, sắc hồng, sắc đỏ của hoa đào đã báo hiệu một mùa Xuân nữa lại về. Hàng nghìn gốc đào đã và đang được các chủ nhà vườn chăm sóc kĩ lưỡng chỉ chờ người mua.

Chị Lê Thị Hạnh (chủ nhân vườn đào 150 gốc) cho biết, do sợ thời tiết năm nay nóng ấm nhiều nên người dân ở đây tuốt lá muộn hơn mọi năm từ 7- 10 ngày. Thông thường, các gia đình sẽ chia lịch tuốt lá làm hai đợt, với mỗi đợt cách nhau 5-7 ngày để đề phòng thất bát.

“Người trồng hoa đào phục vụ Tết chẳng khác gì “đánh bạc với ông trời”, bởi chỉ cần đào nở quá sớm hoặc quá muộn là coi như mất Tết, khi mà hoa bán rẻ như cho không. Nếu hoa nở bán trúng Tết, nông dân mới có thu và cũng có nụ cười”, chị Hạnh chia sẻ.

Hoa đào vẫn về phố.

Sẵn sàng đón Tết

Không chỉ sự xuất hiện của đào, quất mới báo hiệu một mùa Xuân về, những ngày này, mùa Xuân còn về trên những nẻo đường với những xe hoa chất đầy, tất bật di chuyển vào khu vực trung tâm Thành phố. Nằm cách nội đô khoảng 15 km, làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm) được xem là làng hoa lớn nhất Hà Nội, đây cũng là nơi cung cấp hoa tươi lớn nhất cho người dân Thủ đô.

Theo người dân nơi đây, cứ vào khoảng tháng Chạp cả làng Tây Tựu ai nấy đều trong tâm thế “chạy nước rút” cho mùa hoa Tết. Trên khắp những cánh đồng rộng mênh mông là bạt ngàn những thửa ruộng hoa cúc, hoa ly, thược dược… nở chúm chím, nụ xanh mướt, bà con nhộn nhịp rẽ từng luống chăm chút hoa cẩn thận, kĩ lưỡng.

Để chuẩn bị cho thị trường hoa ly và nhu cầu của người dân dịp Tết, năm nào người trồng hoa ở đây cũng phải bắt đầu ươm củ từ nhiều tháng trước. Đến những ngày cuối năm âm lịch, tiết trời Hà Nội sau đợt nắng ấm kéo dài đã bắt đầu trở lạnh kèm theo mưa cũng là lúc trên các cánh đồng trồng hoa sáng rực ánh đèn chiếu sáng để giữ ấm và thúc hoa ly nở đúng mùa vụ.

Bà Đặng Thị Hồng (60 tuổi, người dân làng hoa Tây Tựu) gắn bó với nghề trồng hoa được nhiều năm nay chia sẻ, thời tiết là yếu tố quyết định đến sự thành bại của mỗi vụ hoa, đợt rét vừa rồi bà phải che chắn cẩn thận để không ảnh hưởng đến sự phát triển của hoa.

Tuy nhiên, giờ đây, thời tiết lại trở nên ấm áp quá cũng khiến hoa có thể nở sớm và cũng khiến người trồng hoa đau đầu. Nói về quá trình tiêu thụ hoa bà Hồng cho hay, khách từ 20 Âm lịch hoặc Tết ông Công, ông Táo sẽ bắt đầu mua hoa nhiều. Năm nay có dịch nhưng chỉ ở nước ngoài thôi nước mình kiểm soát được nên khách cũng đông. Thu hoạch xong ra Tết gia đình bà lại bắt đầu trồng vụ mới, mỗi lứa hoa kéo dài từ 3 - 4 tháng.

Ông Đặng Trần Phi - Chủ tịch UBND phường Tây Tựu cho biết, Tây Tựu có hơn 723 héc-ta đất trồng hoa, rau (trong đó 435 héc-ta trồng hoa thuê ngoài, 284,9 héc-ta trồng hoa thuộc đất địa phương, còn lại hơn 3,5 héc-ta trồng rau). Hiện trên địa bàn phường có ba hợp tác xã thực hiện cung cấp dịch vụ phục vụ nhân dân sản xuất hoa cho xã viên.

Những loại hoa quen thuộc được người dân Tây Tựu trồng vào dịp cuối năm chủ yếu là hoa ly, cúc, hồng. Do thời tiết thay đổi thất thường, để bảo đảm chất lượng hoa và thời điểm thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán, hầu hết ruộng hoa tại làng Tây Tựu đều được trồng trong nhà lưới.

Còn tại vùng trồng hoa Mê Linh (huyện Mê Linh), thời điểm này được điểm tô rực rỡ bởi các loại hoa như: hoa hồng, hoa cúc, hoa ly, hoa đồng tiền, hoa loa kèn... Nhìn cánh đồng hoa xanh mướt, rực rỡ, không khí làm việc khẩn trương như hiện tại ít ai biết rằng thời điểm hơn nửa năm trước những cánh đồng hoa nơi đây đã bị tàn phá nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhớ lại 9 tháng trước, thôn Hạ Lôi bị phong tỏa 28 ngày do có 4 trường hợp nhiễm Covid-19. Các con đường trong thôn Hạ Lôi im ắng, hầu hết người dân không ra đường, nhân viên y tế đến từng nhà điều tra dịch tễ.

Trên cánh đồng hoa rộng hơn 100 ha ngày đó, mặc dù trồng hoa là nghề chính của người dân Hạ Lôi nhưng chỉ có lác đác vài người dân ra đồng chăm sóc hoa. Nhiều vườn hoa sắp đến kỳ thu hoạch có nguy cơ bị bỏ hoang do mọi hoạt động giao thương bị ngưng trệ. Các loại hoa hồng, hoa cúc, hoa ly nở bung tàn úa và héo rũ khắp cả ruộng.

Thế nhưng vượt lên khó khăn cùng với sự giúp đỡ, động viên của chính quyền địa phương, những cánh đồng hoa của thôn Hạ Lôi cũng như một số xã khác của huyện Mê Linh đã xanh tươi trở lại sau nhiều tháng ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

“Nhà tôi chủ yếu cung cấp hồng cây, đến nay khách đã đặt hết gần một nửa, giá hiện dao động 300.000 - 500.000 đồng/chậu, có cao hơn một chút so với mọi năm”, anh Nam (chủ một vườn hoa cạnh quốc lộ 23) cho biết. “Nhớ lại mấy tháng trước hoa nở bung đỏ cả vườn mà buồn. Cũng may năm nay mưa, nắng ổn định nên thuận lợi cho hoa sinh trưởng. Ngoài các vườn bán bông, mấy năm nay làng hoa đã phát triển phục vụ thị trường nhiều loại, chủ đạo là cây hoa đã được tạo hình”, anh Nam nói thêm.

Bà Duyên (một người trồng hoa lâu năm ở xã Mê Linh) thì cho biết nhà có khoảng 300 gốc hồng cổ, giá thị trường hiện khoảng 3 triệu đồng/gốc. Thời điểm hiện tại đã có thương lái đến đặt hơn 100 gốc đi miền Nam. Giá hoa có cao hơn “do sau đợt dịch cần nhiều phân cũng như công chăm sóc”.

Theo ông Tạ Quang Thái, Chủ tịch UBND xã Mê Linh - dù bị ảnh hưởng do dịch nhưng đánh giá ban đầu tại các nhà vườn, dự kiến lượng thu năm nay sẽ cao hơn năm trước do thời tiết thuận lợi, hoa phát triển rất đẹp. Chỉ tính riêng thôn Hạ Lôi diện tích trồng hoa cũng chiếm khoảng hơn 200ha, ngoài ra người dân trong xã còn đến một số xã khác trên địa bàn huyện Mê Linh thuê hơn 100ha phát triển nghề trồng hoa.

“Làng trồng hoa hiện cũng gặp khó do không thể xuất đi các nước như mọi năm. Nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con làm phải có thương hiệu, chất lượng cao khách hàng mới nhớ đến mình. Đặc biệt chú trọng phát triển mạnh thị trường trong nước. Ước tính mỗi héc-ta trừ hết chi phí lãi khoảng 200 triệu đồng”, ông Thái cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuân này hoa vẫn nở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO