Xuất bản bước vào ‘4.0’

Thư Hoàng 27/06/2021 08:20

Trong khi các lĩnh vực khác đã có sự dịch chuyển khá nhanh để thích ứng thời cuộc và chinh phục công chúng thì lĩnh vực xuất bản được đánh giá là có sự chuyển đổi chậm hơn. Tuy nhiên, những tín hiệu gần đây cho thấy, các đơn vị xuất bản Việt Nam đã có sự chuyển mình.

Đổi mới mạnh mẽ để đồng hành cùng bạn đọc.

Vươn ra “biển lớn”

Cách mạng công nghệ lần thứ 4 (gọi tắt là 4.0) thực ra cũng chỉ là cái cớ để bàn đến câu chuyện hội nhập, cũng như chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Bởi thực tế, xã hội và xu hướng tiêu dùng đã có rất nhiều thay đổi. Đã bắt đầu thời 4.0 hay sắp tới, điều ấy không quá quan trọng, mà quan trọng nằm chính ở tâm thế của con người có nhiều thay đổi. Trong lĩnh vực xuất bản cũng vậy. Đã có những thế hệ độc giả mới, theo đó cách đọc, cách mua sách đã khác xưa. Thay vì đọc sách giấy, nhiều người đọc e-book. Thay vì đi đến hiệu sách, người ta mua sách qua các sàn giao dịch trực tuyến…

Bởi thế, các đơn vị xuất bản, nếu không xoay trở, chắc chắn sẽ bị tụt lạ phía sau. Nắm bắt xu hướng này, nhiều đơn vị đã có sự chuyển đổi. Điều đó cho thấy sự xoay trục, và những tín hiệu vui đã đến.

Đơn cử như xưa nay, các đơn vị xuất bản Việt Nam chỉ mua bản quyền sách nước ngoài về dịch, xuất bản và bán cho độc giả trong nước thì nay đã hướng ra chinh phục các thị trường xuất bản ở thế giới. Cụ thể, Công ty sách Apha Books đã xuất khẩu những lô sách tiếng Việt đầu tiên đến Mỹ để phục vụ cộng đồng những người nói tiếng Việt.

Hay mới đây, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã đứng ra bán bản quyền cuốn “Chang hoang dã - Gấu” để in ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là cuốn artbook đầu tiên trong sê-ri tranh truyện “Chang hoang dã” của nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn viết lời, họa sĩ Jeet Zdung vẽ tranh, được đơn vị này ra mắt bản tiếng Việt hồi tháng 3/2020. “Sau 1 năm xuất bản tại Việt Nam, NXB Kim Đồng đã thực hiện xong giao dịch bản quyền cuốn “Chang hoang dã - Gấu” cho NXB Pan Macmillan (Anh)”, đại diện NXB Kim Đồng cho biết. Đây là một giao dịch bản quyền đặc biệt, mặc dù đại diện đơn vị này không tiết lộ số tiền chuyển nhượng bản quyền, song được biết là một “số tiền kỉ lục” trong giới xuất bản Việt Nam.

Đưa xu thế thời đại vào ngành sách

Đây chính là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với ngành xuất bản, về chiến lược phát triển trong 5 năm tới trong cuộc họp với lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành, đại diện các nhà xuất bản diễn ra cách đây chưa lâu.

Trước đây có rất ít sách thì việc chính là có sách để đọc. Bây giờ lại có quá nhiều sách thì việc chính lại là lọc và tìm đúng quyển sách để đọc. Mỗi người trong số hàng tỷ người đều có nhu cầu đi tìm đúng quyển sách để giải quyết nhu cầu, vấn đề của mình. Vậy thì ngành xuất bản sẽ làm gì?

Bộ trưởng đặt vấn đề như vậy, và gợi mở: Bây giờ quá nhiều mối quan tâm, nhưng thời gian mỗi ngày vẫn là 24h và vì vậy, thời gian dành cho mỗi vấn đề bị ít đi. Thời gian dành cho sách do vậy cũng ít đi. Vậy sách có nên dài hàng ngàn trang, hàng trăm trang nữa không? Và nếu vẫn phải dài thế thì có nên có phiên bản hỗ trợ ngắn hơn hoặc có công cụ tìm kiếm để giúp người đọc nhanh chóng nắm được ý chính rồi khi nào có thời gian sẽ đọc kỹ hơn không? Nếu có thể làm cho ngắn hơn, cho có liên quan hơn, chất lượng nội dung cao hơn để mỗi người mỗi năm thay vì chỉ đọc vài cuốn sách có thể đọc vài chục cuốn không?

Chính vì thế, theo Bộ trưởng, một quyển sách có nhiều đối tượng đọc, người đọc cũng đọc bằng các phương tiện khác nhau (mà di động ngày càng là chủ yếu), vậy có nên có những phiên bản khác nhau của cùng một cuốn sách cho các đối tượng khác nhau, cho các phương tiện đọc khác nhau không? Nếu không có công nghệ, không có môi trường số, không có sách điện tử thì việc này không dễ và tốn kém. Nhưng nếu dễ và rẻ ta có làm không?

“Cái cần giữ lại, cái bất biến là mục tiêu, là sứ mệnh chứ không phải phương tiện thực hiện. Mục tiêu, sứ mệnh vẫn là lưu trữ, tích luỹ và truyền bá tri thức. Nhưng phương cách cần có những đổi mới. Sách là một khái niệm mở và phát triển. Chế tác và nhân bản sẽ phụ thuộc vào môi trường sống và sự phát triển của khoa học công nghệ. Những đổi mới này tôi tin là sẽ giúp lĩnh vực xuất bản thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tán thành với tầm nhìn, nguyên tắc về việc tìm kiếm các giải pháp phát triển ngành xuất bản được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra, từ phía đơn vị trực tiếp làm xuất bản, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha Books cho rằng, chúng ta nên định nghĩa lại ngành xuất bản theo phạm vi rộng hơn: Xuất bản là mọi hoạt động của con người nhằm lưu trữ/phổ biến/lan tỏa tri thức/kiến thức của con người ra ngoài xã hội. Nếu theo định nghĩa này thì nhiều không gian mới được mở ra cho ngành xuất bản ví dụ như: YouTube, Amazon, Facebook… Chính vì thế, sản phẩm của nền xuất bản “mới” bao trùm nhiều hình thức thể hiện hơn là sách giấy.

“Nhờ công nghệ, ngày nay sách hiện đại đã trở nên đa dạng, có nhiều hình thức đáp ứng các nhu cầu khác nhau của con người: Sách giấy; Sách điện tử (Ebook); Tóm tắt sách (khoảng 15-30 trang tóm lược nội dung cơ bản); Sách nói (audio books); Video/Sketch Notes… để trình bày tri thức cho con người dễ hiểu/đơn giản/dễ nhớ”, ông Bình nêu và nhấn mạnh, thách thức đặt ra hiện nay là cần tìm kiếm và phát triển ứng dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng nào cho đơn vị xuất bản, tác giả… để việc xuất bản trở nên nhanh chóng, hiệu quả, trong đó có mục tiêu rút ngắn quá trình xuất bản, đẩy nhanh việc chuyển đổi một sản phẩm từ sách thông thường trở thành các dạng sản phẩm khác nhau, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng độc giả khác nhau…

Tiếp tục đổi mới để giữ độc giả

Quan sát ngành xuất bản trong thời gian qua có thể nhận thấy sự chuyển đổi. Hình ảnh xuất bản Việt Nam cũng đã vươn ra bên ngoài, thông qua việc tham gia tại các hội chợ sách lớn trên thế giới, như hội chợ Frankfurt (Đức), hay hội sách La Habana (Cuba)… Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bủa vây trong gần 2 năm qua, ngành xuất bản Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng, các đơn vị xuất bản nỗ lực trụ lại, và không ngừng xuất bản những tựa sách mới… Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đẩy mạnh các giao dịch trực tuyến, thay vì cách thức như xưa. Nhiều hội sách trực tuyến mở ra đã tạo cho độc giả cơ hội mua sách với chiết khấu ưu đãi, vận chuyển miễn phí… Đó rõ ràng là điều đáng khích lệ.

Tuy vậy, vẫn cần sự xoay trở mạnh mẽ hơn, với những chiến lược đầu tư nhiều hơn. Chỉ có như vậy, chúng ta với giữ được độc giả, đáp ứng được độc giả, và đồng hành được cùng với độc giả…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất bản bước vào ‘4.0’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO