Xuất khẩu 4 triệu tấn gạo: Con đường không còn xa

Ngọc Quang 07/07/2017 09:30

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, phấn đấu vào năm 2030 lượng gạo xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn.

Cánh đồng mùa gặt.

Những con số ấn tượng

Theo giới chuyên gia, con số 4 triệu tấn gạo xuất khẩu tới năm 2030 hoàn toàn có thể đạt được. “Nhưng cùng với số lượng thì quan trọng là chất lượng gạo xuất khẩu, để thu được lợi nhuận cao hơn”- TS Nguyễn Anh Tú, chuyên gia nông nghiệp cho biết.

Trở lại với mục tiêu tổng quát của chiến lược xuất khẩu gạo là phát triển các thị trường với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định và hiệu quả. Cùng với những thị trường truyền thống thì phải tích cực phát triển các thị trường xuất khẩu mới.

Đây cũng là thách thức không nhỏ khi mà cùng với Thái Lan- đối thủ chính của gạo Việt Nam thì cũng đã xuất hiện không ít đối thủ tiềm năng, trong đó có Campuchia đang khẳng định thương hiệu gạo của mình trên trường quốc tế. Đặc biệt, đó lại là gạo chất lượng cao, giá thành và lợi nhuận hơn hẳn so với một số chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua.

Chiến lược xuất khẩu gạo được Chính phủ xác định là điều chỉnh giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng trị giá xuất khẩu gạo; chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu; tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam, có theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường gạo thế giới.

Cụ thể, phấn đấu vào năm 2030 lượng gạo xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn; tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó gạo phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 10% tổng lượng gạo xuất khẩu; gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica chiếm khoảng 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%; tăng dần tỷ trọng các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo (khoảng trên 10%).

Chiến lược cũng vạch ra rằng, đến năm 2030, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo, thị trường châu Phi chiếm khoảng 25%, thị trường Trung Đông chiếm khoảng 5%, thị trường châu Âu chiếm khoảng 6%, thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 10%, thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%.

Chuyển dịch cơ cấu

Tuy nhiên, bài toán xuất khẩu gạo của Việt Nam tới thời điểm này cũng không đơn giản- theo ý kiến chuyên gia. Là bởi thị trường xuất hiện thêm nhiều nước cũng xuất khẩu gạo. Nhưng quan trọng hơn là lợi nhuận khi xuất khẩu mặt hàng nông phẩm này.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, do lợi nhuận thấp, không ít nông dân đã bỏ trồng lúa để trồng các loại cây khác, hoặc là bỏ ruộng, cho người khác làm, còn mình thì vừa ly nông vừa ly hương- tới các khu công nghiệp tìm kiếm việc làm. Nghề trồng lúa không còn hấp dẫn, khiến người trồng lúa ở đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long đang nhạt lòng với cây lúa. “Đó là điều rất đáng tiếc cần có giải pháp phù hợp”- TS Nguyễn Anh Tú nói.

Đồng bằng sông Cửu Long với tư cách là vựa lúa của đất nước, nhiều năm liên tục là địa bàn cung cấp gạo xuất khẩu. Nhưng nay, cùng với việc “chán lúa” của một bộ phận nông dân, thì còn phải đương đầu với nạn xâm nhập mặn khiến năng suất giảm sút; đương đầu với nạn hạn hán, khô mặn. Phù sa theo mùa nước nổi của sông Cửu Long đang có dấu hiệu ngày một giảm dần cũng khiến cho việc trồng lúa khó khăn.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là giống lúa và khó khăn trong tạo dựng chuỗi liên kết. Về giống, các chuyên gia cho rằng do có quá nhiều loại, không tập trung vào phát triển những loại giống gạo thơm, chất lượng cao. Do đó, thương hiệu gạo Việt Nam khó xác định khi xuất khẩu. Sự liên kết “4 nhà” tuy đã nói rất nhiều nhưng tới nay mối quan hệ đó vẫn lỏng lẻo. Nhất là sự liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Từ đó dẫn đến việc được mùa rớt giá, tư thương ép giá, phần thiệt hại bao giờ cũng dồn lên vai người trồng lúa.

Giải bài toán chất lượng gạo xuất khẩu cần phải được thông qua mối liên kết 4 nhà để tạo thành chuỗi sản phẩm hàng hóa chất lượng cao; việc chọn lựa giống thiên về chất lượng chứ không phải là chạy theo số lượng. Nhìn chung, vấn đề chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, trong đó có cây lúa là vấn đề phải được đặt ra cả ở tầm chiến lược cũng như từng mùa vụ cụ thể. Trong đó chú trọng chất lượng thay vì số lượng, mà muốn thế thì phải đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tại phiên chất vấn, ngày 6/7 HĐND TP Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Liêm- Phó Chủ tịch UBND TP đã đề cập khá riết róng vấn đề này. Ông Liêm cho biết, đất sản xuất nông nghiệp tại TP HCM tính đến năm 2015 là 115.000 ha, trong đó đất trồng lúa 18.000 ha, diện tích làm muối 1.651 ha. Do trồng lúa và làm muối không đạt hiệu quả kinh tế nên TP quy hoạch đến năm 2020 diện tích lúc còn 3.000 ha, diện tích làm muối ở huyện Cần Giờ cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 600 ha nhằm chuyển sang nuôi trồng các loại con, cây có giá trị kinh tế cao.

Cũng tại phiên họp, ông Nguyễn Phước Trung- Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, sẽ tập trung xây dựng trung tâm cung cấp con giống, cây giống chất lượng cao.

Đây có thể coi là một hướng mở cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây lúa để chúng ta vẫn giữ được ngôi vị thứ hạng cao về xuất khẩu gạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu 4 triệu tấn gạo: Con đường không còn xa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO