Xuất khẩu gạo chờ bùng nổ

Quốc Định 10/05/2022 09:00

Xuất khẩu gạo thường tăng ở các tháng giữa năm. Riêng đối với năm nay, tình hình có nhiều thuận lợi hơn do thế giới xảy ra nhiều biến động, khiến nhu cầu tăng. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu phải tận dụng được các lợi thế, đồng thời cần đảm bảo nguồn hàng, vượt qua sức ép cạnh tranh...

Ngành lúa gạo đang đứng trước cơ hội mới để mở rộng thị phần và giá trị xuất khẩu.

Nhu cầu thị trường tăng mạnh

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, đang cân nhắc ký các hợp đồng xuất khẩu mới vì muốn chờ giá gạo lên cao hơn. Tìm hiểu tại cảng TP HCM trong tháng 4, xuất 300.990 tấn gạo và trong tuần đầu tiên của tháng 5/2022 xuất 40.000 tấn gạo, với phần lớn được chuyển đến Philippines, châu Phi và Cuba.

Dự báo trong quý II và quý III-2022 sẽ là giai đoạn “then chốt” và “bùng nổ” cho việc tăng tốc giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nhất là từ tháng 5 này sẽ là thời điểm xuất khẩu gạo nhộn nhịp hơn và giá lúa gạo sẽ tiếp tục có xu hướng tăng.

Ông Hồ Nam Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Việt Hưng (Đồng Tháp) chia sẻ, thông thường xuất khẩu gạo sẽ khởi sắc từ cuối tháng 4 cho đến quý III. Đây là thời điểm mà các nhà nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines hay châu Phi cân đối lại tồn kho và họ sẽ cấp phép cho các DN tư nhân nhập khẩu.

Cũng theo ông Trung, việc nhiều quốc gia tăng nhập gạo nhằm dự trữ tiêu dùng trong nước, nhất là trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine khiến cho nguồn cung lương thực bị đứt quãng, khan hiếm, đẩy giá toàn cầu lên rất cao. “Đây cũng là cơ hội để gạo Việt tăng thị phần lẫn giá trị kim ngạch xuất khẩu trong các tháng tới”, ông Trung nói.

Đối với thị trường ASEAN, thống kê trong quý I-2022, Philippines tiếp tục đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 672.136 tấn, tương đương 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng mạnh 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch.

Đề cập đến vấn đề này, ông Trần Bá Đàn, Giám đốc Công ty TNHH Lương Điền Nam (An Giang) nhận định, gạo ở “vựa lúa” Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung vào thị trường Philippines còn nhiều cơ hội gia tăng do nước này thông qua chính sách tự do hóa ngành gạo. Chính sách loại bỏ cơ chế hạn ngạch, thay bằng thuế nhập khẩu sẽ làm tăng lượng gạo nhập khẩu vào Philippines.

Còn nhiều dư địa ở thị trường châu Âu

Xuất khẩu sang thị trường EU cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các tháng tới dựa vào tác động của FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Tuy vậy, cần nhìn nhận một thực tế là thị phần gạo của Việt Nam tại thị trường lớn này được đánh giá là còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,1% trong tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU.

Trong khi đó, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU nhập khẩu từ 3- 4 triệu tấn gạo mỗi năm. Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này, nhất là trong những giai đoạn “then chốt” như quý II và quý III/2022.

Theo TS Trần Quốc Hùng, chuyên gia kinh tế tại Mỹ, trước mắt là các DN Việt cần sử dụng hết hạn ngạch xuất lúa gạo 80.000 tấn/năm với suất thuế quan 0% theo EVFTA. Đặc biệt, nên phát triển các loại gạo thơm cấp cao, nhiều giá trị đang được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.

Ông Hùng cho rằng, muốn đẩy mạnh được xuất khẩu gạo trong thời gian tới, trước mắt các DN Việt Nam cần khai thác lợi thế từ những biến cố của thế giới, dẫn đến nhu cầu của thị trường tăng lên, đặc biệt là tận dụng những lợi thế từ những FTA. Bên cạnh đó, các thương nhân xuất khẩu gạo cần đảm bảo nguồn hàng, lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển để chủ động giao hàng và ký kết các hợp đồng mới.

Mặt khác, khi giai đoạn “then chốt” được mở ra thì các nhà xuất khẩu gạo Việt cũng cần vượt qua được những thách thức, như việc các nước nhập khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về phẩm chất gạo. Và nhất là phải vượt qua được sức ép cạnh tranh rất lớn từ các đối thủ tiềm tàng ở những thị trường lớn.

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU nhập khẩu từ 3- 4 triệu tấn gạo mỗi năm. Như vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này, nhất là trong những giai đoạn “then chốt” như quý II và quý III-2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu gạo chờ bùng nổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO