Xuất khẩu hàng hóa ứng phó với nCoV

Duy Chung 01/02/2020 08:00

Trong bối cảnh hội nhập mới nhưng lại có dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ có tác động không nhỏ đến hoạt đông giao thương, trong đó có xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam. Theo Bộ Công thương, đây chính là lúc chúng ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế, cùng với đó là đa dạng hóa thị trường. Đó là ý kiến được Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra tại cuộc họp bàn giải pháp ứng phó với dịch virus corona (nCoV) của ngành Công thương ngày 31/1.

Không chỉ hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhiều giao dịch thương mại khác như du lịch, dịch vụ… cũng bị tác động xấu từ dịch nCoV. Cụ thể, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Lê Hoàng Oanh cho hay, Trung Quốc đã thông báo việc tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hoá của hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây với Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu nông sản, nhất trái cây Việt Nam sang Trung Quốc. Hiện nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã huỷ hợp đồng nhập khẩu hoặc chậm thực hiện đơn hàng nhập khẩu đã ký kết. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã hạn chế việc đi lại của người dân nên ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, dịch vụ trong nước.

Nhấn mạnh thêm, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - nhấn nêu rõ, việc hạn chế đi lại, nhất là với khách du lịch sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ. Theo ông Đông, do tác động của dịch nCoV, lĩnh vực kinh doanh ăn uống và vui chơi, giải trí sẽ giảm kéo theo tổng mức bán lẻ hàng hoá giảm theo.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập mới nhưng lại có dịch bệnh diễn biến phức tạp, câu hỏi đặt ra là thực tế này sẽ tác động như thế nào đến hoạt đông giao thương, trong đó có xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam? Theo ông Trần Tuấn Anh, trong những đánh giá, phân tích, cần gắn với bối cảnh hội nhập, mở cửa thị trường hàng hoá, đồng thời, phải gắn với quá trình tái cơ cấu sản xuất, giải pháp đưa ra phải bao gồm cả việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. “Đây là lúc chúng ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế” – Bộ trưởng nhấn mạnh đồng thời nêu quan điểm, cùng với những giải pháp cấp bách trong ngắn hạn thì các đơn vị phải nghiên cứu đưa ra giải pháp ứng phó trong dài hạn ứng với từng kịch bản diễn biến của dịch bệnh.

Cũng theo Bộ trưởng, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là cần thiết và trên thực tế Bộ Công thương đã và đang tích cực triển khai, tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch nCoV thì trước hết cần tập trung vào những thị trường có tiềm năng và còn dư địa phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu hàng hóa ứng phó với nCoV

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO