Xuất khẩu thô, nông sản Việt thiệt thòi

Hải Nhi 06/07/2021 07:20

Là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, song khâu chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam hiện còn tồn tại không ít bất cập. Việc chủ yếu xuất khẩu thô khiến nông sản Việt thua thiệt đủ đường.

Dù chịu ảnh hưởng nhiều từ đại dịch Covid-19 nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh, đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020. Có thể thấy, trong 5 năm qua, xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản đã có bước tiến nhảy vọt từ 30,14 tỷ USD năm 2015 lên 41,25 tỷ USD năm 2020.

Là một trong những quốc gia XK nông sản hàng đầu thế giới, song khâu chế biến nông, lâm, thủy sản ở nước ta hiện còn tồn tại nhiều hạn chế. Cả nước hiện có 7.500 doanh nghiệp (DN) chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp có gắn với XK và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình. Ước tính mỗi năm, khả năng chế biến, sơ chế bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản.

Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) Nguyễn Quốc Toản, quá trình phát triển vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến.

Như câu chuyện XK tôm của ông Phan Thanh Lộc - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Food: Nước ta định hướng XK tôm đạt kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2025, ước sản lượng đạt trên 1,1 triệu tấn. Hiện nay, chỉ mới 55%-65% của con tôm được sử dụng, 35%-45% còn lại thường bị bỏ đi, chỉ có một phần nhỏ được xử lý bằng phương pháp truyền thống giá trị thấp, ô nhiễm môi trường. Nếu 400.000-500.000 tấn phụ phẩm tôm được chế biến sâu thì giá trị không thua sản phẩm chính.

Hay cà phê là một trong những ngành hàng nông sản có sản lượng XK lớn đứng đầu thế giới song trị giá thu về chưa tương xứng tiềm năng. Cụ thể, cà phê Việt đã có mặt tại hơn 80 thị trường trên thế giới với tổng sản lượng XK hàng năm đạt khoảng 11,6 - 11,8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 2,6 - 2,8 tỷ USD. Nhưng thực tế trị giá XK cà phê của Việt Nam vẫn ở mức thấp do cà phê thô vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Theo thống kê, số DN hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản có trên 10.000 và phần lớn là DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ. Qua khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn, hầu hết công nghệ của các DN chuyên chế biến nông - lâm - thủy sản đã qua 3 - 4 thế hệ, 73% số nhà xưởng tạm bợ, chắp vá, chỉ 1%-5% sản phẩm làm ra đạt chất lượng quốc tế, 8%-15% số DN đăng ký chất lượng sản phẩm, 40% DN không có trình độ chuyên môn, tay nghề...

Vai trò đầu tư, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông - lâm - thủy sản không thể thiếu yếu tố DN. Tuy vậy, số liệu thống kê trên cho thấy tỷ lệ DN đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm - thủy sản còn rất thấp và trình độ công nghệ lạc hậu, năng lực chuyên môn thấp. Đây thực sự là nút thắt đối với XK nông nghiệp.

Bộ NNPTNT nhận định, thị trường thế giới 7,8 tỷ người với nhu cầu tiêu thụ nông, lâm, thủy sản rất lớn, sẽ còn nhiều dư địa để Việt Nam phát triển. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây, nhiều khó khăn trong logistic như hiện nay, đẩy mạnh hơn nữa chế biến sâu các mặt hàng nông, thủy sản là giải pháp quan trọng giúp XK toàn ngành tăng chủ động, bứt phá.

Nói tới việc đẩy mạnh chế biến sâu các mặt hàng nông sản, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đưa ra so sánh: Hiện nông sản trong nước có 20-30% thông qua chế biến để XK. Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) gần 80% nông sản qua chế biến mới bán ra thị trường. Ngành nông nghiệp Việt Nam phải so sánh 2 con số đó để có phương hướng phát triển, tạo ra giá trị gia tăng, giải bài toán cung vượt cầu, giảm áp lực cho nông dân thường gặp cảnh được mùa rớt giá.

“Khả năng chế biến nông sản trong nước rất lớn. Vấn đề là Nhà nước và DN bắt tay kết nối mở rộng thị trường, cùng nghiên cứu khoa học công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở.

Hiện Việt Nam xếp thứ 17 về XK nông, lâm, thủy sản trên thế giới. Kim ngạch XK năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD chỉ chiếm 1,95% trị giá nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu thô, nông sản Việt thiệt thòi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO