Xuất khẩu và kỳ vọng

Lục Bình 03/01/2020 08:05

Chúng ta sẽ cán đích mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 500 tỷ USD trong năm 2019. Đây là mức tăng kỷ lục, đánh dấu cột mốc Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động. Việc cán đích mục tiêu xuất khẩu sẽ mở ra nhiều kỳ vọng cho kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc và được xem là một trong những nền kinh tế có sự tăng trưởng tốt nhất khu vực với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 7,02%, cao gấp 2,5 lần mức tăng lạm phát (ở mức 2,7 - 2,8%). Để đạt được những thành tích ấn tượng như vậy không thể không kể đến thành tích xuất khẩu năm 2019 với kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD, quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt cả các nước châu Phi cộng lại. Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ để vào nhóm 30 nền kinh tế có quy mô xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) ghi nhận dấu ấn 3.995 tỷ USD. Tính riêng 5 năm gần đây (từ năm 2015 đến năm 2019) ghi nhận, kim ngạch đạt 2.106 tỷ USD đồng thời cao hơn xuất nhập khẩu của cả 15 năm về trước cộng lại (giai đoạn 2000-2014). Nếu năm 2001, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD thì sau 6 năm (năm 2007), tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 4 năm sau (năm 2011), tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. Và 4 năm tiếp theo (đến năm 2015), xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD.

Nhờ những bước bứt phá trong những năm gần đây, thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo công bố xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt. Năm 2006 Việt Nam đang xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và thứ 44 về nhập khẩu. Đến năm 2018, nước ta đã có bước phát triển ấn tượng, xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu.

Vì sao xuất khẩu của Việt Nam lại đạt được những thành tích ấn tượng như vậy trong điều kiện “mây đen phủ lên toàn cầu nhưng Mặt Trời đang tỏa sáng ở Việt Nam”? Thứ nhất, do các điều kiện, thời cơ từ trong việc hợp tác kinh tế với các nước bạn đã mang lại nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều lực đẩy cho xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế trong các tháng qua, tất cả nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt. Đơn cử như xuất khẩu sang Nhật Bản 11 tháng tăng 7,6%; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 10,1%; xuất khẩu sang ASEAN tăng 2,5%; sang Nga tăng 9,1%; sang New Zealand tăng 6,8% so với cùng kỳ... Tổng kim ngạch sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2018 đạt 46,2 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam. Điều này cho thấy, doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.

Thứ hai, do nội lực của kinh tế Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động xuất khẩu năm 2019 của nước ta tiếp tục có nhiều thuận lợi nhờ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, trước hết là nhờ những chính sách cải cách mạnh mẽ từ Chính phủ nhất là việc cắt giảm các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh bất hợp lý để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của các sản phẩm made in Việt Nam…. đã tạo những cú hích để phát triển.

Dù đạt được những thành tích đặc biệt ấn tượng như vậy đối với lĩnh vực xuất khẩu, tuy nhiên theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư vẫn cần tháo gỡ nhiều chính sách để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Việt, hàng Việt nhất là tình trạng nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khu vực doanh nghiệp FDI khiến tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân và khu vực nhà nước giảm, trong khi sự chuyển dịch nguồn lực phát triển vẫn chủ yếu theo mệnh lệnh hành chính. Làm cho nền kinh tế kém năng động. Từ đó dẫn đến không có sản phẩm, ngành nghề và chính sách mới để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi đây mới chính là những yếu tố then chốt quyết định đến sự phát triển nội lực của nền kinh tế.

Để xuất khẩu bền vững, theo ông Nguyễn Đình Cung, Việt Nam phải xây dựng được những doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, có quy mô lớn, trở thành đối tác với doanh nghiệp FDI. Từ đó, xây dựng được chuỗi cung ứng, cụm liên kết, có sự chuyển giao. Để làm được, cần có những đòn bẩy mới trong cải cách môi trường kinh doanh đi kèm với việc Chính phủ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu và kỳ vọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO