Xúc tiến thương mại: Nỗ lực tìm kiếm thị trường

Minh Phương 26/01/2016 22:13

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào “sân chơi” toàn cầu, với việc ký kết các Hiệp định  thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, TPP… thì vai trò của các chương trình xúc tiến thương mại ngày càng có ý nghĩa hơn. Bởi vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, để doanh nghiệp có thể đẩy mạnh việc mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, không thể thiếu vai trò của các chương trình xúc tiến thương mại.

Xúc tiến thương mại: Nỗ lực tìm kiếm thị trường

Các DN Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội này để tìm kiếm
mở rộng thêm thị trường mới. (Ảnh: Hoàng Long)

Tìm kiếm đối tác

Số liệu của Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, trong năm 2015, Cục này đã trực tiếp tổ chức, tham gia thành công 18 chương trình hội chợ, triển lãm đa ngành cũng như chuyên ngành, hỗ trợ trực tiếp cho gần 3.000 lượt DN. “Giá trị thỏa thuận kinh doanh được ký kết trực tiếp tại các Hội chợ đạt hàng trăm triệu USD, hỗ trợ các DN Việt Nam phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư” – Cục Xúc tiến Thương mại nhận định.

Theo giới chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, do đó, các DN Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội này để tìm kiếm mở rộng thêm thị trường mới, để nâng cao năng lực xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, và điều này một phần quan trọng phụ thuộc vào những nỗ lực của nhà quản lý trong việc đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại.

Tận dụng cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế đang ở rất gần, nhiều DN xuất nhập khẩu đã đón đầu cơ hội, tìm kiếm thị trường mới, mở rộng đối tác kinh doanh thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại.

Theo ông Võ Sỹ Lực - Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam, khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng như ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, ngành hàng cao su của Việt Nam là một trong những ngành hàng ưu tiên hội nhập. Đây sẽ là cơ hội lớn để các DN ngành cao su có thể tham gia sân chơi toàn cầu và nâng cao năng lực sản xuất. Ông Lực cho biết, ngành cao su sẽ tận dụng cơ hội này để mở rộng thị trường, trao đổi thương mại cũng như các hoạt động xuất khẩu vì không còn rào chắn thuế quan… Từ đó, có thêm những thời cơ, điều kiện để các DN liên doanh, liên kết xây dựng các nhà máy chế biến cao su giảm tỷ lệ xuất khẩu thô, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu tinh.

Ngoài các thị trường truyền thống mà ngành cao su đang xuất khẩu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… theo Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn đang tiếp tục nghiên cứu thị trường Ấn Độ cùng nhiều thị trường khác trong khu vực để tìm kiếm đối tác liên doanh liên kết trong đầu tư công nghệ chế biến…

Xúc tiến thương mại: Nỗ lực tìm kiếm thị trường - 1

Đón đầu hội nhập, các DN cần chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường.

Không chờ cơ hội

Tương tự, các DN xuất nhập khẩu thuộc các lĩnh vực khác như dệt may, da giày, thép, nhựa, nông sản… cũng đang rất nỗ lực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng đối tác kinh doanh tận dụng mọi cơ hội khi các rào cản thuế quan được gỡ bỏ.

Lãnh đạo một DN may mặc cho hay, song song với việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường xuất khẩu của DN thì vai trò của cầu nối từ các hoạt động xúc tiến thương mại là vô cùng quan trọng. Theo DN này, nhiều năm trở lại đây, thông qua các chương trình hội thảo, hội chợ, giới thiệu thị trường trong và ngoài nước, công ty đã tìm kiếm được nhiều đối tác mới, mở rộng thị trường xuất khẩu. “Tất nhiên, ở thời điểm này, khi Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, song song với việc mở rộng thị trường, các DN cũng phải chủ động trong việc nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của các đối tác” – vị này chia sẻ quan điểm và bày tỏ mong muốn, thời gian tới, sẽ có nhiều chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức, giúp DN có nhiều cơ hội hơn để mở rộng thị trường, tạo cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh, nâng sức cạnh tranh.

Năm 2016, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định phê duyệt 177 đề án của 67 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí là 90 tỷ đồng. Bộ Công thương đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, tập trung hỗ trợ các DN khai thác hiệu quả các lợi ích từ các FTA mang lại.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế nước nhà khi được hưởng các lợi thế về mở cửa có từ các Hiệp định. Những đối tác mà chúng ta ký kết các FTA đều là những đối tác lớn như EU, Mỹ… Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, cơ hội là vậy song các DN không thể thụ động chờ cơ hội đến mà vẫn phải liên tục thực hiện các hoạt động tìm kiếm. “Các hoạt động tìm kiếm ở đây không chỉ là mở rộng thị trường mới mà ngay cả những thị trường chúng ta đã đặt chân vào, chúng ta vẫn phải tìm kiếm khách hàng mới và xây dựng chỗ đứng vững chắc tại thị trường đó” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xúc tiến thương mại: Nỗ lực tìm kiếm thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO