Yêu cầu 45 trường đại học dừng đào tạo hệ cao đẳng: Sẽ đảm bảo quyền lợi của nhà trường và người học

Thu Hương 30/07/2019 08:00

Việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) bất ngờ gửi văn bản đề nghị 45 trường đại học (ĐH) dừng tuyển sinh đối với các ngành, nghề đào tạo cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) từ ngày 1/7 đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, từ phía các trường ít nhiều cảm thấy bị động khi mùa tuyển sinh đã khởi động từ cách đây cả tháng, nay mới nhận được thông báo.

Yêu cầu 45 trường đại học dừng đào tạo hệ cao đẳng: Sẽ đảm bảo quyền lợi của nhà trường và người học

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội trong giờ thực hành. (Nguồn: Congnghieptieudung.vn).

Cần lộ trình rõ ràng

Nhìn nhận câu chuyện này, TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, Luật Giáo dục năm 2005 và sửa đổi năm 2009 quy định, trường ĐH, học viện (gọi chung là trường ĐH) được đào tạo 4 trình độ gồm: CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ. Luật Giáo dục ĐH năm 2012 cũng quy định giáo dục ĐH bao gồm trường ĐH, trường CĐ và đào tạo trình độ CĐ trở lên. Nhiều năm qua, các trường ĐH tuyển sinh bậc CĐ, TC là phổ biến.

Đến năm 2011, Bộ GDĐT đã ra Thông tư 57 yêu cầu các trường ĐH không đào tạo trình độ TC, trừ các trường nhóm ngành văn hóa nghệ thuật, theo lộ trình đến 2017 thì dừng hẳn.

Đến năm 2015, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT trong đó yêu cầu các trường ĐH giảm hằng năm chỉ tiêu CĐ để tiến tới 2020 dừng đào tạo hẳn. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH năm 2018 được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 quy định chức năng đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH chỉ bao gồm trình độ ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ, không đề cập đến CĐ và TC. Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng phê duyệt tháng 10/2016 cũng đã quy định giáo dục ĐH không bao gồm trình độ CĐ và TC. Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH trước đó có đào tạo CĐ, TC đã bỏ hẳn tuyển sinh các bậc học này.

Tuy nhiên, đấy là hệ thống chính sách còn thực tế, đến thời điểm này một số trường ĐH vẫn ra thông báo và có kế hoạch tuyển sinh hệ CĐ từ cuối năm 2018, thậm chí đã thực hiện tuyển sinh hàng trăm học viên. Như vậy, TS Khuyến cho rằng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp bất ngờ ra thông báo như vậy khiến các trường “trở tay không kịp”.

“Việc yêu cầu các trường ĐH dừng đào tạo hệ CĐ, TC là đúng nhưng cần có lộ trình rõ ràng, cụ thể. Theo như nhiều trường phản hồi, công văn đề nghị các trường ĐH dừng tuyển sinh CĐ đưa ra ngày 17/7, gửi tới các trường ĐH vào cuối tháng 7 trong khi yêu cầu dừng từ 1/7 gây khó cho các trường. Đặc biệt là cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… các trường đã chuẩn bị từ sớm để đáp ứng yêu cầu tuyển sinh, nay dừng đột ngột thì sẽ làm sao”-TS Khuyến nêu vấn đề.

Ảnh hưởng đến quyền lợi người học

Từ phía các trường, TS Hoàng Hùng Thắng- Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh cho biết, sinh viên hệ CĐ của trường không nhiều nhưng vì vẫn đưa vào đề án tuyển sinh, thông báo rộng rãi tới học viên nên khi nhận được thông báo dừng tuyển sinh, vẫn khiến một số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng chịu thiệt.

Cũng lo lắng ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh, TS Hoàng Xuân Hiệp- Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội cho biết, qua khảo sát của nhà trường, mỗi năm nhân lực ngành dệt may cần bổ sung từ 90.000-100.000/năm; trong đó, nhân lực trình độ ĐH, CĐ cần khoảng 5.700. Nhưng hiện nay, mỗi năm chưa được 2.000 nhân lực ĐH, CĐ khối ngành dệt may ra trường. Như vậy, nếu dừng tuyển sinh ngay trình độ CĐ như thông báo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, sẽ có thể gây ra thiếu hụt nhân lực cho ngành dệt may khi mà nguồn cung đào tạo nhân lực trên cả nước hiện tại (tính cả ĐH, CĐ) cũng chưa đáp ứng đủ 30% nhân lực cần thiết cho ngành dệt may.

Lãnh đạo Trường ĐH Phạm Văn Đồng cũng cho biết, trường nhận được văn bản từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu chấm dứt đào tạo 7 ngành nghề hệ cao đẳng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Nhưng đến tận ngày 25/7 trường mới nhận được văn bản gửi từ ngày 17/7. Hiện tại, trường đã thu nhận hồ sơ của các thí sinh xét tuyển học bạ, xét tuyển điểm thi THPT quốc gia, mà hiện tại cũng đã có một số hồ sơ nhận các thí sinh đó trở thành sinh viên của trường. Việc bị động trong tuyển sinh khiến trường ảnh hưởng điều kiện đã chuẩn bị, người học cũng hoang mang…

Sẽ đảm bảo quyền lợi các trường

Là một trong 45 trường ĐH, CĐ nhận được thông báo dừng tuyển sinh hệ CĐ, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn ngày 26/7 ra thông báo về việc dừng tuyển sinh và đào tạo CĐ kể từ khóa tuyển sinh năm 2019 đối với 8 ngành, nghề đào tạo trình độ CĐ đã được Tổng cục GDNN cấp phép đào tạo trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN cấp năm 2017.

Ngoài ra, với các khóa đào tạo đã tuyển sinh trước ngày 1/7, nhà trường tiếp tục tổ chức đào tạo cho đến khi kết thúc khóa học và cấp bằng tốt nghiệp CĐ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và hướng dẫn của Bộ LĐTBXH. Thông báo này hiện được đăng tải công khai trên website trường.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân cho biết, trong sáng 29/7, ông đã họp và chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp rà soát căn cứ pháp lý đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Thứ nhất, nếu các văn bản pháp luật không xung đột với nhau thì áp dụng văn bản có lợi cho người học và nhà trường trên nền tảng lấy chất lượng làm gốc.Thứ hai, hướng dẫn các trường để ổn định tình hình, đảm bảo quyền lợi cho người đã nhập học, đã đăng ký được tiếp tục học. Thứ ba, tổng hợp tình hình và báo cáo Bộ LĐTBXH để có giải pháp căn cơ, lâu dài, phù hợp với quy hoạch mạng lưới giáo dục ĐH và quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp.

Thứ trưởng Lê Quân khẳng định vẫn sẽ đảm vảo quyền lợi cho các trường và người học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yêu cầu 45 trường đại học dừng đào tạo hệ cao đẳng: Sẽ đảm bảo quyền lợi của nhà trường và người học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO