Zimbabwe: Người kế nhiệm ông Mugabe đã trở về nước

Khánh Duy 22/11/2017 22:28

Người được cho là sẽ trở thành Tổng thống đời tiếp theo của Zimbabwe dự kiến sẽ sớm trở về thủ đô Harare để thay thế Tổng thống Robert Mugabe, người đã phải tuyên bố từ chức trong hôm 22/11 trước sức ép của chính đảng của mình và phía quân đội.

Người dân thủ đô Harare ăn mừng trước tin ông Mugabe từ chức (Nguồn: Herald).

Không khí hân hoan đã tràn ngập đất nước Zimbabwe trong hôm thứ Tư vừa qua khi người dân thức dậy trong ngày đầu tiên sau gần 4 thập kỷ mà thiếu đi người đàn ông từng lãnh đạo đất nước bằng nắm đấm thép.

Tuy nhiên, niềm vui này là có hạn bởi ông Mugabe dự kiến sẽ bị thay thế bằng cấp Phó của ông, người được xem là cũng có đường lối cầm quyền tương tự.

Ông Emmerson Mnangagwa, người có khả năng lớn nhất sẽ thay thế ông Mugabe, dự kiến sẽ trở về thủ đô Harare - theo nhiều thành viên của đảng cầm quyền Zanu-PF.

Ông dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức vào hôm nay (23/11). Trước đó, ông Mnangagwa chưa từng xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị sa thải khỏi vị trí Phó Tổng thống hôm 6/11 và cũng từng tuyên bố sẽ không trở về nước cho đến khi sự an toàn của bản thân được đảm bảo.

Nhiều người ở Zimbabwe cũng như cộng đồng quốc tế đang hy vọng rằng sẽ có một thỏa thuận chuyển giao quyền lực tốt đẹp. Kỳ bầu cử ở nước này dự kiến tổ chức trong năm 2018.

Vụ việc ông Mnangagwa phải từ chức, được cho là để dọn đường cho vợ ông Mugabe lên nắm quyền, cuối cùng lại dẫn tới việc ông Mugabe bị bắt giữ, đối mặt với khả năng bị luận tội và cuối cùng buộc phải tuyên bố từ chức. Giới chính trị gia đối lập đã hoan nghênh diễn biến này.

“Chúng tôi rất vui mừng vì đã loại bỏ được ông Robert Mugabe, nhưng chúng ta vẫn phải loại bỏ cả một hệ thống đã tồn tại suốt 37 năm qua” - ông douglas Mwonzora, Tổng thư ký Phong trào Thay đổi Dân chủ - Tsvangirai (MDC-T) của Zimbabwe, đảng đối lập chính ở nước này, nói.

Sự hân hoan trên các tuyến phố

Được biết tới với biệt danh “Cá Sấu” vì lối ứng xử khá cứng rắn, ông Mnangagwa, 75 tuổi, nhận được sự ủng hộ hết sức mạnh mẽ từ tầng lớp chính trị gia kỳ cựu của Zimbabwe, thêm vào đó cũng là nhân vật thân cận của ông Mugabe trong suốt 3 thập kỷ và là nhà chiến lược gia quan trọng của ông này.

Một số ý kiến cho rằng ông Mnangagwa sẽ dẫn dắt Zimbabwe tới một kỷ nguyên mới, thay thế vị lãnh đạo đã cầm quyền đất nước này kể từ ngày độc lập năm 1980. Ông được giới ngoại giao Mỹ mô tả là chính trị gia “thậm chí còn đáng gờm và cứng rắn hơn cả ông Mugabe”.

Thủ đô Harare trong hôm 22/11 phần lớn đã trở lại bình thường. Những người dân đi bộ tới văn phòng làm việc, sinh viên tới trường học, các khu vực kinh doanh mở cửa trở lại và ở khu vực xung quanh tòa nhà Quốc hội, nhiều người đã tổ chức ăn mừng trước sự ra đi của ông Mugabe.

Trong vài giờ sáng hôm thứ Tư, đám đông người dân đã tổ chức tuần hành, nhảy múa, cùng nhau vẫy quốc kỳ Zimbabwe sau khi Chủ tịch Quốc hội nước này đọc bức thư từ chức của ông Mugabe. Cũng nhờ bức thư từ chức này mà tiến trình luận tội ông Mugabe đã chính thức bị hủy.

“Tôi rất vui mừng vì đã không đi tuần hành một cách lãng phí” - Joe Gomo, một trong những người tổ chức ăn mừng bên ngoài tòa nhà Quốc hội, nói với Reuters và nhận xét: “Cuối cùng, Mugabe đã từ chức. Harare chưa từng đẹp hơn và vui mừng hơn thế này”.

Ngay cả ở Nam Phi, nước láng giềng phía Nam Zimbabwe, hàng trăm người cũng đổ ra trung tâm thành phố Johannesburg để ăn mừng trước thông tin nhà cầm quyền lâu đời ở Harare đã từ chức.

Cộng đồng quốc tế hoan nghênh

Sự kiện ông Mugabe từ chức cũng nhận được phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Chủ tịch Ủy ban Liên đoàn châu Phi (AUF) Moussa Faki Mahamat, đã hoan nghênh quyết định từ chức của ông Mugabe, nói rằng quyết định này “sẽ đi vào lịch sử như một hành động sẽ chỉ giúp củng cố di sản của Tổng thống Mugabe”.

Tuyên bố này thêm rằng, AUF hy vọng rằng “Zimbabwe sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong các công việc của châu Phi, với tư cách một đất nước dân chủ và thịnh vượng như nguyện vọng của người dân”.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cũng hoan nghênh diễn biến trên đồng thời kêu gọi Zimbabwe “tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các cuộc bầu cử công bằng, một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình”.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng kêu gọi cải cách dân chủ ở Zimbabwe. “Điều mà chúng tôi cần thấy bây giờ là các cuộc bầu cử dân chủ tự do và công bằng” - ông Johnson nói.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thì gọi sự kiện trên là một “khoảnh khắc lịch sử” của Zimbabwe. “Chúng tôi chúc mừng những người Zimbabwe đã lên tiếng một cách hòa bình rằng thời điểm thay đổi đã đến. Zimbabwe có một cơ hội lớn để đi trên một con đường mới” - tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Zimbabwe: Người kế nhiệm ông Mugabe đã trở về nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO