Nhiều đề xuất để MTTQ Việt Nam được đề nghị trưng cầu ý dân

Lục Bình 04/06/2015 15:54

Chiều qua (3-6) ĐBQH thảo luận tại tổ Luật Trưng cầu ý dân. Nhiều ý kiến ĐBQH đề xuất MTTQ Việt Nam có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.

Nhiều đề xuất để MTTQ Việt Nam được đề nghị trưng cầu ý dân

ĐBQH Danh Út (Kiên Giang) phát biểu tại Hội trường, ngày 3-6

Ảnh:Hoàng Long

Theo điều Khoản 1 Điều 13 về cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, ban soạn thảo đề xuất 2 phương án. Phương án 1 Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Phương án 2: Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam hoặc ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM), ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) đồng tình phương án 2 về cơ quan có quyền đề nghị trưng cầu ý dân gồm: Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ và không thể thiếu vai trò của MTTQ Việt Nam. Trong khi đó không ít đại biểu đồng tình phương án 1 nhưng yêu cầu bổ sung UBTƯ MTTQ Việt Nam là chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân.

ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) bình luận, trưng cầu ý dân là thiết chế rất dân chủ bảo đảm người dân thực hiện quyền của mình khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đồng thời cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng thực hiện. Tuy nhiên, dự thảo luật cần phải cụ thể hóa Hiến pháp. Bởi Hiến pháp quy định mọi công dân đều có quyền bỏ phiếu khi trưng cầu ý dân; QH quyết định trưng cầu ý dân; UBTVQH tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân… những vấn đề này cần phải được cụ thể hóa trong dự thảo luật.

Trong khi đó, có ĐB không lựa chọn phương án nào trong 2 phương án mà ban soạn thảo đưa ra mà đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của MTTQ có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. ĐB Phạm Văn Tấn (Nghệ An) cho rằng: Với Điều 13 Khoản 1, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án, tôi thấy chọn phương án nào cũng chưa hợp lý. Tôi đề nghị là UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ, UBTƯ MTTQ Việt Nam và (hoặc ít nhất) 1/2 ĐBQH đề nghị. Nếu là 1/3 thì tôi thấy không bảo đảm vững chắc, chưa thể hiện ý chí của đa số ĐB.

Tại phiên thảo luận rất nhiều ý kiến của ĐB đề nghị quy định cụ thể những vấn đề cần trưng cầu ý dân vào trong luật. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng: Điều 6 nên có quy định tương đối cụ thể để luật đễ đi vào cuộc sống. Nếu quy định chung là trưng cầu ý dân những vấn đề quan trọng như Hiến pháp, những vấn đề lớn rất khó thực hiện. Phạm vi trưng cầu ý dân phải mềm hơn, có thể trưng cầu ý dân ở một khu vực để đỡ mất thời gian, tốn kém trong tổ chức.

Đồng quan điểm chưa vội triển khai trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) bình luận: Quyền lợi ích hợp pháp mỗi vùng lại khác nhau, trong khi đó người dân chưa có thói quen bày tỏ ý kiến của mình về những vấn đề cần được lấy ý kiến. Vì vậy, không nên tổ chức trưng cầu ý dân trên phạm vi cả nước ngay mà nên thực hiện ở cấp độ địa phương, vừa làm vừa rút kinh nghiệm trước. Còn ĐB Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH cũng đề nghị, nên nghiên cứu khoanh định rõ vùng cần trưng cầu ý dân, tránh tiến hành tràn lan, lãng phí, mất công.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đồng tình về kết quả của trưng cầu ý dân căn cứ vào kết quả trên 50% ĐB cử tri đi bỏ phiếu đồng ý chung 1 đề xuất. Tuy nhiên, nếu nội dung thăm dò dẫn dến kết quả xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích quốc gia thì kết quả này sẽ là vô hiệu.

Rất cần thiết phải có luật trưng cầu ý dân để thể chế quan điểm nhân dân làm chủ. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) đề nghị cần bổ sung điều luật trưng cầu ý dân phải tiết kiệm, hiệu quả chứ tổ chức các hội nghị trưng cầu ý dân hoành tráng, tốn kém tiền ngân sách chưa chắc người dân đã đồng ý. ĐB Lộc cũng đề xuất cơ quan soạn thảo nên tính tới chuyện có cho phép người dân đi bầu thay hay không, vì thực tế không phải công dân nào cũng đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu. Đã có thực tế như vậy mình cũng phải quy định rõ trong luật để dễ thực thi.

Lục Bình