Cần sớm xây dựng sân bay Long Thành

M.Loan-T.Dương 05/06/2015 10:04

Tại phiên thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành diễn ra ngày 4-6, nhiều ĐBQH bày tỏ quan điểm đồng tình với chủ trương của Chính phủ.

Cần sớm xây dựng sân bay Long Thành

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu tại Hội trường, ngày 4-6

Ảnh:Hoàng Long

Rà soát, điều chỉnh theo hướng tiết kiệm

Là ĐB phát biểu đầu tiên, nhà sử học Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, bản thân sân bay Tân Sơn Nhất là 1 trong những sân bay lớn nhất của khu vực, nhưng đến nay đã quá chật chội nên phải xây dựng sân bay Long Thành. Nhưng điều mà ông Quốc băn khoăn chính là việc Dự án sân bay Long Thành chỉ là dự án thành phần của quy hoạch tổng thể khu vực Đông Nam Bộ. “Qua 2 đời Thủ tướng, các dự án thành phần khác đã triển khai rồi mà bây giờ chúng ta mới bàn từ đầu là làm hay không làm sân bay Long Thành. Nếu không làm thì cả quy hoạch bị vỡ và sẽ lãng phí như thế nào? Sau 10 năm triển khai giờ đưa ra bàn rất khó xử”- theo ông Quốc.

Từ đó, ông Quốc đề nghị, cần phân tích cho kỹ để nhân dân tin tưởng. Vì vậy, cần đẩy mạnh minh bạch hóa, thu hút ý kiến của nhân dân và giới khoa học. Cách tiếp thu như hiện nay khiến nhiều người chưa yên lòng. “Cần phải thay đổi cách làm, không chỉ với Dự án Long Thành để đại biểu không cảm thấy được đặt vào tình thế đã rồi, quyết trong hoàn cảnh không còn con đường nào khác. Đừng đặt ra việc đã rồi”- ông Quốc nêu.

Ủng hộ xây dựng sân bay Long Thành, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng cho rằng, hiện nhiều dự án hạ tầng giao thông khác đã đang được xây dựng. Giờ nếu chúng ta không xây dựng thì cũng là lãng phí. Ông Cương nhấn mạnh: “Bất kỳ công trình lớn nhỏ nào tiết kiệm được chi phí xây dựng cũng là cần thiết. Vì vậy đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu rà soát điều chỉnh sao cho tiết kiệm hơn theo tinh thần chống lãng phí. Tiến độ triển khai chậm cũng làm đội vốn công trình đáng kể cho nên cần phải quan tâm”.

Lãng phí là có tội với dân- đó là vấn đề được ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt ra khi đề cập đến việc nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là phương án không khả thi vì kinh phí lớn, quá tốn kém. Vì vậy theo ông Vinh, QH cần sớm thông qua chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành bởi nếu chậm sẽ mất thời cơ vàng. Từ đó, ông Vinh đề nghị: “Quốc hội cần có cơ chế giám sát để tiết kiệm, tránh lãng phí”.

Đồng quan điểm với ông Vinh, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng nên đẩy nhanh tiến độ để sân bay Long Thành hoàn thành giai đoạn 1 sớm hơn năm 2025. Bởi theo ông Lịch, Long Thành là trọng điểm vùng kinh tế. Khi hoàn thành sẽ có sức lan tỏa đối với các vùng khác. Nếu thay đổi quy hoạch là làm lại kết cấu hạ tầng. Ông Lịch cũng cho rằng: Cần có sự phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học ngay từ lúc quy hoạch. Trong tương lai quan trọng nhất là phản biện ngay từ quy hoạch chứ không phải làm xong mới cho ý kiến.

Ở góc độ khác, bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả của Dự án, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) phân tích: Báo cáo đặt ra tỷ suất nội hoàn kinh tế của Dự án là 24,5%, trong khi đó mức bình quân chỉ hơn 10%. Như vậy là quá cao, liệu có đánh bóng hay không? Ta phải tính thêm độ nhạy và kinh tế chính trị thế giới hiện nay”- ông Ngân băn khoăn, và đề nghị phải chú ý khi giao đất sạch phải đấu thầu mới lấy lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Cần công khai, minh bạch

Đó là vấn đề được các ĐB: Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Trần Văn (Cà Mau) Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu ra. Theo ĐB Trần Văn, thời gian qua dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về Dự án là do báo cáo đầu tư ban đầu đã nêu quá nhiều thuận lợi và nêu quá ít khó khăn. Cho nên báo cáo tiền khả thi cần tính toán để Chính phủ đưa vào giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 5 năm để lo nguồn vốn. Ông Văn đề nghị: “Đây là công trình quốc gia nên Quốc hội cần phải giám sát chặt chẽ từng giai đoạn đầu tư”.

Bàn luận sâu thêm, ĐB Nguyễn Thái Học đề nghị cần tăng cường tính công khai minh bạch. Bởi theo ông Học, hiện vẫn có nhiều ý kiến bày tỏ thiếu sự tin tưởng khi thực hiện Dự án. Cho nên Nghị quyết của Quốc hội cần giao trách nhiệm cho Chính phủ minh bạch trong triển khai thực hiện Dự án. “Có như vậy mới lấy được lòng tin của người dân. Ngoài ra, Quốc hội cũng phải giám sát, tăng cường tính công khai minh bạch chịu trách nhiệm của Chính phủ để có sự tin tưởng của các tầng lớp nhân dân”- ông Học nêu rõ.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Cần tăng cường tính công khai, minh bạch, tính chịu trách nhiệm, cũng như những giải pháp để chống tham nhũng, lãng phí, tránh làm đội giá đầu tư Dự án.

Không quy định chủ quyền quốc gia về không gian mạng

Ngày 4-6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình Dự án Luật An toàn thông tin. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng: Trong thời đại ngày nay, thông tin có thể được truyền lan nhanh chóng trên mạng, hệ thống thông tin tạo nền tảng cho hầu hết các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội. Bất cứ thông tin sai lệch nào, bất kỳ sự cố nào đối với hệ thống thông tin cũng sẽ gây ra hậu quả nặng nề đối với nhà nước và xã hội. Luật An toàn thông tin được ban hành sẽ có vai trò quan trọng ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực phát triển đời sống, kinh tế, xã hội.

Thay mặt cơ quan thẩm tra Dự án luật, ông Phan Xuân Dũng- Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH cho biết, Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật An toàn thông tin. “Việc ban hành Luật sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về an toàn thông tin, tạo điều kiện phát triển ổn định, bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin”- ông Dũng bày tỏ.

Chủ quyền quốc gia về không gian mạng, theo ông Dũng- Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tán thành với ý kiến không quy định chủ quyền quốc gia về không gian mạng trong dự thảo Luật vì kinh nghiệm xây dựng pháp luật tại những nước tiên tiến trên thế giới đã được tham khảo cũng chưa có quốc gia nào thực hiện tuyên bố chủ quyền trên không gian mạng. Hơn nữa, để thực hiện nhiệm vụ trên, Dự thảo đã có các quy định về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng.

H.Vũ

M.Loan-T.Dương