Hội nghề cá, chỗ dựa của ngư dân
Huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) với hơn 20 km bờ biển và có 2 cửa sông chính là Cửa Tiểu và Soài Rạp thuận lợi cho sự phát triển sản xuất thủy sản. Trong những năm qua, nhờ sự đóng góp tích cực của Hội Nghề cá huyện, tình hình sản xuất thủy sản nhìn chung phát triển mạnh, tuy vẫn gặp một số khó khăn.
Thời gian qua, Hội Nghề cá huyện Gò Công Đông hoạt động khá tốt, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, giúp cho hội viên gia tăng sản xuất nhằm làm tăng thu nhập kinh tế gia đình cho hội viên. Theo ông Hồ Thanh Hồng, Phó Chủ tịch Hội nghề cá huyện thì hội là chỗ dựa của hội viên và đông đảo bà con làm nghề sản xuất thủy sản.
Hiện toàn huyện Gò Công Đông có khoảng 3.300 ha nuôi trồng thủy sản và 670 phương tiện tàu thuyền làm nghề khai thác biển. Nhờ sự nhiệt tình tham gia sản xuất của bà con ngư dân trong đó có các hội viên của hội nên hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản của huyện đạt được kết quả khả quan. Năm 2014, tổng giá trị sản lượng thủy sản đạt 607,054 tỷ đồng, tăng lên 452,291 tỷ đồng vào năm 2009. Đến nay đội tàu đánh bắt xa bờ của huyện được đóng mới hoặc nâng cấp công suất máy lên hàng trăm mã lực, đủ sức vươn ra vùng biển xa và hoạt động nhiều tháng liền trên biển. Sự phát triển đó làm thay đổi cảnh quan xã hội và tăng thu nhập chính đáng, làm giàu của ngư dân. Trong thành quả chung đó, có sự đóng góp quan trọng của lực lượng hội viên Hội Nghề cá huyện.
Tuy nhiên, cũng theo nhận định của Hội Nghề cá huyện Gò Công Đông, thời gian qua, hoạt động Hội chưa đều tay do các thành viên đều kiêm nhiệm. Hơn nữa, Hội không thu được hội phí, nguồn gây quỹ tạo nguồn thu cho hội hoạt động không có. Mọi hoạt động của Hội có liên quan đến kinh phí đều là nhờ sự vận động đóng góp của các hội viên, các tổ chức cá nhân, từ đó làm hạn chế hiệu quả hoạt động của Hội.
Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Hội Nghề cá huyện Gò Công Đông xác định: Cần củng cố, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Hội, xây dựng kế hoạch hoạt động của hội trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế... Về sản xuất thủy sản, cần đảm bảo việc nuôi thủy sản theo đúng quy hoạch ở từng vùng và thời điểm thích hợp. Quản lý tốt lại vùng nuôi nghêu giống và nghêu thịt của huyện để tăng sản lượng hàng năm và giải quyết việc làm ổn định cho người lao động. Kết hợp Trung tâm giống hỗ trợ kỹ thuật, kiểm soát quản lý chất lượng con giống, hỗ trợ người nuôi áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm đảm bảo yêu cầu cho xuất khẩu. Vận động xây dựng tổ hợp tác, tổ quản lý cộng đồng nuôi thủy sản; tăng cường quản lý môi trường, hạn chế dịch bệnh. Nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, tiếp nhận quy trình sản xuất tiên tiến, giống mới có giá trị kinh tế cao.
Đối với nghề khai thác thủy sản, tiếp tục vận động thành lập tổ hợp tác sản xuất trên biển, dự báo ngư trường, kết hợp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm giảm chi phí sản xuất. Khuyến khích và tăng cường đầu tư hỗ trợ ngư dân nâng cấp phương tiện đánh bắt, khai thác biển có hiệu quả; xây dựng các cơ sở hạ tầng nghề cá và tiêu thụ chế biến sản phẩm đánh bắt. Tiếp tục vận động người dân thực hiện tốt các chính sách của nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên.
Để đạt được kết quả cao hơn, theo Hội Nghề cá huyện thì rất cần được đầu tư kinh phí hoạt động, trong đó có việc xây dựng điểm trình diễn, tổ chức tham quan…