Giải bài toán nông sản ùn ứ

Duy Phương 06/06/2015 11:03

Nông sản ùn tắc, bí bách đầu ra đã trở thành nỗi ám ảnh của nông dân mỗi khi đến một vụ mùa thu hoạch. Thế nhưng nỗi lo này sẽ dần được giải tỏa khi mới đây, đề án Khu trung chuyển hàng hóa tại Lạng Sơn đã được phê duyệt. Như vậy, kỳ vọng về việc khơi thông dòng chảy cho nông sản và chấm dứt điệp khúc “được mùa rớt giá” đã được nhen lên. (Xem tiếp trang 7)

Giải bài toán nông sản ùn ứ

Thu mua vải ở Bắc Giang để xuất khẩu

Ảnh:Đức Thọ

Khắc phục điểm yếu về cơ sở hạ tầng

Hàng năm, lượng hàng hóa nông sản của Việt Nam được xuất khẩu đi khá nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính các sản phẩm nông sản của Việt Nam, do có nhiều điều kiện thuận lợi về địa lý. Có một thực tế lâu nay, các loại nông sản của Việt Nam không mấy khi gặp suôn sẻ khi xuất khẩu sang thị trường này. Nhiều năm qua xuất hiện tình trạng ùn ứ nhiều loại hàng nông sản ở các cửa khẩu do khó thông quan được sang phía Trung Quốc.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho hay: Cứ đến tháng 3, tháng 4 hàng năm - dịp Thanh minh, phía Trung Quốc lại nhập nhiều hoa quả tươi. Vụ dưa hấu vừa qua, việc ùn tắc xảy ra chủ yếu do cửa khẩu phía Trung Quốc còn mất nhiều thời gian để lựa chọn dưa hấu trong khi số lượng xe đổ về cửa khẩu quá lớn. Thời gian xử lý một xe tới 2-3 giờ đồng hồ nên năng lực xử lý chỉ được khoảng 300 xe mỗi ngày.

Trong khi, theo lãnh đạo của Chi cục Hải quan Lạng Sơn, mật độ hàng hóa đi qua các cửa khẩu thuộc tỉnh này rất lớn, bình quân tới 1.200 xe/ngày. Với năng lực xử lý chỉ được 300 xe mỗi ngày như nhận định của vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, việc ùn tắc nông sản thường xuyên xảy ra như thời gian vừa qua là điều có thể giải thích được.

Còn nhớ, tại một hội nghị bàn về các giải pháp tiêu thụ nông sản, tìm đầu ra cho rau quả, trái cây do Bộ Công thương tổ chức hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng nêu lên thực trạng, đến hẹn lại lên, cứ vào tháng 4 hàng năm là thị trường lại “phát sốt” vì vấn đề dưa hấu ùn tắc nơi cửa khẩu. Bởi vậy, vị Phó Chủ tịch Hiệp hội đã bày tỏ băn khoăn về sự “thiếu và yếu” của cơ sở hạ tầng hiện nay. Theo ông Ánh, đối với các mặt hàng trái cây, rau quả, rất cần phải có hệ thống kho bãi bảo quản nhất định khi xảy ra sự cố tại các cửa khẩu. Trái cây, nông sản là những sản phẩm cần được bảo quản về độ tươi nên rất cần phải đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng tốt để tập kết hàng đảm bảo quá trình lưu thông hàng hóa được an toàn.

Giải bài toán nông sản ùn ứ - 1

Khi Khu trung chuyển hàng hóa đi vào hoạt động
sẽ không còn cảnh ùn ứ nông sản tại cửa khẩu

Tạo điều kiện để đàm phán

Nhiều chuyên gia ngành nông sản cho rằng, để việc tiêu thụ nông sản được ổn định, đòi hỏi Nhà nước cần chú trọng hơn nữa về hệ thống cơ sở hạ tầng. Hiện nay, chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ cho việc lưu thông là rất hãn hữu. Ví dụ như kho chứa, hiện chúng ta rất thiếu kho chứa hàng để hoa quả chưa được thông quan có thể được lưu trú lại, không lo bị hỏng. “Cũng giống như việc đánh bắt hải sản, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng cảng cá, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá… đã góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch thủy hải sản, thì việc xây dựng các hệ thống kho lưu trú nông sản cũng quan trọng như vậy”- một vị chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định.

Trước những bất cập về cơ sở hạ tầng gây ra những tổn thất cho nông sản xuất khẩu hiện nay, được biết, theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Công thương, UBND tỉnh Lạng Sơn mới đây đã phê duyệt quy hoạch dự án Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Theo khẳng định của lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, Khu trung chuyển hàng hóa này sẽ giải quyết một cách hiệu quả tình trạng ách tắc, tồn ứ nông sản như thời gian qua, giúp thương nhân Trung Quốc trực tiếp sang Việt Nam tìm hiểu, trao đổi nhu cầu thị trường và ngược lại.

Nhận định về tính hiệu quả của đề án này, ông Phùng Quang Hội, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cho rằng, khi Khu trung chuyển hàng hóa đi vào hoạt động, chắc chắn những vấn đề tồn đọng lâu nay của hàng hóa nông sản khi thông quan tại các cửa khẩu sẽ được giải quyết dứt điểm. Sẽ không còn tình trạng hàng ngàn tấn trái cây phải xếp hàng chờ ngày thông quan, rồi bị ủng thối, bỏ đi như đã và đang diễn ra… Ông Hội nhớ lại, vụ mùa dưa hấu vừa qua, mỗi ngày có tới 400-500 xe chở dưa đổ về cửa khẩu Tân Thanh, trong khi chỉ có thể làm thủ tục xuất khẩu cho khoảng trên 200 xe, do đó, không thể tránh khỏi cảnh ùn tắc. Bởi vậy, ông Hội cho rằng, việc xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa sẽ góp phần giảm thiểu gánh nặng cho các cửa khẩu khi lượng hàng chở về cửa khẩu quá lớn.

Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng bày tỏ niềm lạc quan khi cho rằng, Khu trung chuyển hàng hóa tại Lạng Sơn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra khu trung chuyển đầu mối ở biên giới, giúp lưu giữ nông sản trong điều kiện thuận lợi, tránh hao hụt và suy giảm chất lượng hàng hóa. Đồng thời, giúp DN, địa phương chủ động trong giao thương với Trung Quốc dù là theo đường tiểu ngạch hay chính ngạch... “Khu trung chuyển cũng tạo điều kiện cho DN đàm phán các vấn đề trong thương mại một cách thuận lợi hơn. Mặt khác, khu vực này sẽ giúp tránh nguy cơ ùn tắc nông sản tại cửa khẩu như thời gian qua đã xảy ra với dưa hấu, thanh long…”- Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị Thứ trưởng cũng khuyến cáo, Khu trung chuyển hàng hóa tại Lạng Sơn chỉ là một trong số các giải pháp mà chúng ta đang tính đến để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu qua biên giới. Về lâu dài, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất các mặt hàng nông sản.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, ngoài giải pháp về cơ sở hạ tầng, nhà quản lýcòn rất nhiều việc phải làm, trong đó, vấn đề đầu tiên là phải sắp xếp lại kế hoạch phát triển và tiêu thụ hàng nông sản, bởi cách làm như hiện nay là chưa chuẩn nên mới dẫn đến những bất cập về đầu ra, về thị trường tiêu thụ như thời gian qua.

Duy Phương